Vô tình biết Gòn qua một người bạn, cái tên cụt lủn ấy lại khiến tôi ấn tượng. Nên cơn gió mùa đông tê tái vẫn không khiến tôi giảm tò mò và "nhụt chí khám phá" quán ăn này.
Gòn không nằm ngoài mặt phố mà khuất trong một con ngõ trên phố Thái Hà. May mắn là chẳng tốn 5-7 cái ngoặt, từ đầu ngõ chỉ thẳng tiến chừng trăm mét là đã thấy quán. Gòn thiết kế không cầu kỳ nhưng vừa bước vào tôi đã có cảm giác mình được "hâm nóng" trong không gian rất ấm cúng. Chỉ là ánh đèn vàng, bàn ghế gỗ, cô bé nhân viên xinh xắn đeo... sừng tuần lộc trong mùa Giáng Sinh luôn nhoẻn miệng cười... cũng đủ khiến khách thấy thân thiện, dễ chịu.
Giờ ngồi yên vị tôi mới cắt nghĩa được chữ "Gòn" ngắn ngủi ấy tức là "Sài Gòn". Ăn vặt Sài Gòn - nội dung cô đọng nhất tôi được giới thiệu về quán thông qua thực đơn. Anh bạn chủ xị tỏ ra xông xênh khi cho chúng tôi mặc sức chọn món. Dễ hiểu, món đắt nhất ở đây - cơm tấm với bún thịt nướng cũng chỉ 35.000 đồng. Thế nên tôi và cô bạn chẳng ngần ngại gọi nguyên “bàn tiệc”.
Súp cua đặc trưng ẩm thực đường phố Sài Gòn song lại hợp với mùa đông Hà Nội là một trong những món tôi hài lòng nhất. Chén súp bưng ra nóng hổi, trong lúc vừa đói vừa rét thế này vô cùng giá trị. Ngoài vị cua giã đậm đà quyện trong mùi thơm của nấm hương, hạt tiêu còn dậy lên hương dầu mè lôi cuốn khiến tôi cứ phải hít hà. Tôi đã xì xụp, thưởng thức không bỏ phí một thìa nào món khai vị này.
Súp cua. |
Ấm người với súp cua xong thì đến món bún thịt nướng mát mẻ rất được người Sài Gòn ưa chuộng. Cũng thuộc “họ trộn”, trụng với nhiều rau, giá, lạc, hành… song nếu so với những món bánh đa, miến, phở trộn Hà Thành, món có phần thơm hơn nhờ loại thịt đã tẩm ướp rồi nướng than hoa tới khi cháy cạnh. Món ăn không quá đặc biệt nhưng dễ thưởng thức, dễ hợp khẩu vị mọi người.
Kén khách hơn cả có lẽ là phá lấu. Đây là món tôi chưa từng trải nghiệm, chỉ nghe ai đó nói rằng phá lấu Sài Gòn nhiều điểm tương đồng sốt vang Hà Nội. Nhưng ngay lần đầu tiên thưởng thức này tôi đã nhận ra, đó là hai phạm trù hoàn toàn khác.
Tuy cũng một thứ nước sanh sánh, dậy mùi nhưng phá lấu đậm vị thơm ngậy ngọt của nước cốt dừa. Nguyên liệu làm phá lấu cũng không phải thịt bò, gân bò mà là xách, lòng, dạ dày… bò. Thuộc tuýp hảo ngọt và mê mẩn với những món rất thuần Việt như... nội tạng nên phá lấu ở đây tất nhiên hợp miệng tôi. Cô chủ quán cũng tự hào khoe: “Những người Sài Gòn đến ăn phá lấu nhà em đều khen lắm đó!”.
Bún thịt nướng. |
Phá lấu. |
Một thứ nữa rất đáng khen ngợi ở Gòn đó là bánh flan – món tráng miệng người Hà Thành quen gọi bằng cái tên “caramen”. Cô chủ quán này cho rằng caramen đất Bắc quá lỏng lẻo, khác hẳn với loại bánh flan cô làm - cũng thơm mùi trứng nhưng xốp mềm, chắc chắn và nước đường thắng cũng ngọt ngậy chứ không đắng ngắt vị cà phê như một số nơi. Có lẽ mỗi vùng miền một khẩu vị song, tôi và cô bạn đi cùng đều thừa nhận, bánh flan của Gòn rất “quyến rũ”. Đó là lí do riêng bánh flan chúng tôi mỗi người phải “đả” 2 phần mới hết thòm thèm.
Bữa tiệc còn có hot dog Sài Gòn, há cảo, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, cơm tấm… chúng tôi gọi mỗi món một suất để thử qua một vòng. Có thứ được ca tụng, cũng có món chưa hài lòng. Nhưng nhìn chung với mức giá khoảng 60.000 đồng/người cho bữa quà vặt miền Nam "phè phưỡn" thì cả nhóm đều biểu quyết phương án: “Lần sau sẽ tái ngộ”.
Bánh flan. |
Hot dog Sài Gòn. |
Bánh tráng nướng. |
Cơm tấm. |
Há cảo. |
Các loại đồ uống đặc trưng Sài Gòn. |
Địa chỉ: Số 65 ngõ 117 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội.