Ông Sơn bị bệnh hen, cũng đã uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh chẳng khỏi hẳn. Mỗi khi thay đổi thời tiết ông lại lên cơn khò khè, ho, tức ngực khó thở. Gần đây ông còn mắc thêm chứng hồi hộp, thỉnh thoảng tim lại đập thình thịch.
Có những lúc ông tưởng như lịm đi vì tim đập nhanh quá...
Một hôm, ông Phan - bạn từ thuở thiếu thời với ông Sơn, nay mỗi người một ngả, biết tin ông Sơn ốm nên đến chơi. Hỏi bệnh tình của bạn thì ông Phan cười khà khà bảo:
- Chúng mình già rồi đâm ra lắm bệnh, mà bệnh giống nhau cả. Tôi trước đây cũng bị hồi hộp y như ông, may mà đi khám bệnh, gặp được thầy được thuốc nên từ ngày ấy đến giờ khỏe ra...
Nói rồi, ông Phan lôi ra vỉ thuốc.
- Đây, lúc nào tôi cũng mang theo thuốc, tặng ông luôn để ông dùng, lát nữa tôi về ghé qua hiệu thuốc mua sau cũng được.
Đúng là gặp may, ông Sơn cầm vỉ thuốc tenormine loại 50mg, không quên cảm ơn ông Phan rối rít. Đúng là thuốc tiên thật, chỉ ngày hôm sau là ông Sơn đã thấy hết hẳn hồi hộp, tim không còn đập nhanh nữa. Thế là đều đặn, mỗi ngày ông Sơn không quên uống 1 viên, định bụng khi nào sắp hết thuốc sẽ ra hiệu thuốc ngay đầu làng để mua.
Nhưng lạ thay, từ khi uống đến viên thứ 4, ông Sơn thấy tình trạng khò khè nặng hơn. Đến viên thuốc thứ 6, sau khi uống khoảng 30 phút, ông thấy khó thở dữ dội, cổ ông cứ như bị bóp chặt lại không thể thở ra được. ông bèn gọi cấp cứu...
Tại bệnh viện, sau khi qua cơn nguy kịch và được bác sĩ giải thích, ông Sơn mới biết tenormine là loại thuốc ức chế thụ thể bêta giao cảm, ngoài tác dụng hạ nhịp tim còn có tác dụng phụ khác là gây co thắt phế quản, do vậy chống chỉ định ở bệnh nhân bị hen hoặc co thắt phế quản.
Nghe tin bạn phải đi cấp cứu, ông Phan lại vội vàng đến thăm, hiểu ra chuyện ông ân hận vô cùng. Đúng là lòng tốt mà thiếu hiểu biết cũng gây ra đại họa, suýt nữa ông đã hại bạn già. Thôi thì từ nay ông xin cạch hẳn “nghề” tư vấn dùng thuốc...