Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu niên 17 tuổi vẫn đá bóng dù bị đứt cả 2 dây chằng gối

Mặc dù nhiều lần bị chấn thương chân, nam thiếu niên vẫn không đến bệnh viện kiểm tra và tiếp tục chơi bóng đá.

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) phẫu thuật tái tạo dây chằng cho nam sinh. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân là N.T.Đ. (17 tuổi, Hà Nội). Em được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng đau nhức vùng gối. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện Đ. bị lỏng cả hai bên khớp gối.

Chia sẻ với bác sĩ, nam sinh cho biết đã chơi bóng đá nhiều năm ở vị trí thủ môn. Cách đây 4 năm, Đ. bị chấn thương khớp gối chân trái do nhảy cao bắt bóng và tiếp đất sai tư thế.

Tuy nhiên, nam sinh chỉ đi khám và băng bó chân bị đứt dây chằng. Sau đó, em tiếp tục quấn băng chun để chơi thể thao. Thời gian sau đó, Đ. tiếp tục bị ngã khi chơi đá bóng và đứt tiếp dây chằng khớp gối chân phải.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Đ. được xác định đứt hai dây chằng chéo trước. Em được chỉ định nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối hai bên đồng thời.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương và Y học Thể thao, nhận định việc phẫu thuật đồng thời ở cả 2 chân giúp nam sinh trải qua một cuộc mổ thay vì hai lần như thông thường.

Ngoài ra, điều này cũng giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí phẫu thuật, thời gian tập luyện và cả áp lực tâm lý cho người bệnh.

Với kỹ thuật mổ nội soi tái tạo dây chằng, các bác sĩ sẽ tạo đường hầm xương ngắn (khoảng 20 mm) đủ để luồn mảnh ghép dây chằng, cố định vững chắc ở vị trí thành xương cứng. Kỹ thuật này giúp hạn chế ảnh hưởng đến xương của người bệnh, đặc biệt ở người trẻ tuổi.

Nếu sử dụng các kỹ thuật cũ như chốt ngang, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương sụn phát triển khiến vẹo trục xương đùi và xương chày.

Ca phẫu thuật kéo dài 30 phút. Sau mổ, người bệnh ổn định sức khỏe, có thể sớm tập phục hồi chức năng và đi lại ngay với nẹp trợ đỡ.

Từ trường hợp trên, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo mọi người khi đã có chấn thương khớp, dây chằng... nên đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm.

Điều này giúp tránh các biến chứng như rách sụn hay thoái hóa khớp sớm, khiến việc phục hồi chức năng, chơi thể thao khó khăn hơn.

Sinh tố hay nước ép tốt hơn cho sức khỏe? Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này nhưng chúng không phải là một. Cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu của tác giả Farnoóh Brock sẽ cung cấp kiến thức về sinh tố. Nó cũng đưa ra lời khuyên trong việc làm và sử dụng sinh tố sao cho có ích cho sức khỏe.

Bệnh nhi 5 tuổi mắc u tai giữa hiếm gặp

U tai giữa bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp, có thể gây biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng chức năng nghe do có đặc tính ăn mòn, phá hủy cấu trúc tai.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm