Ba ngày cuối tuần là khoảng thời gian bận rộn nhất với Võ Thị Ngọc Thảo (25 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP HCM). Khách hàng tìm đến Thảo với mục đích trang điểm dự tiệc tất niên hoặc chụp bộ ảnh Tết.
Có những ngày, Thảo bắt đầu công việc lúc 4h30 để khách chụp ảnh từ 7h đến 8h - khoảng thời gian nắng chưa gắt và vắng người tại các địa điểm check-in nổi tiếng. Đến 13h, khách tiếp tục trang điểm lượt hai để tham gia tiệc ở công ty. Thậm chí, một số khách đi chơi đêm còn đặt lịch buổi tối bên Thảo.
Những người làm dịch vụ như Ngọc Thảo luôn cố gắng phục vụ nhiều khách nhất có thể, đảm bảo ai cũng được đáp ứng nhu cầu làm đẹp đón Tết Nguyên đán.
Tay run vì đói
Làm nghề một năm nay, Ngọc Thảo cung cấp gói dịch vụ gồm trang điểm và làm tóc; riêng trang điểm có hai kiểu chính là cô dâu và dự tiệc.
Thảo mất trung bình 1,5h để hoàn tất các bước; một số khách sở hữu làn da nhiều khuyết điểm thì thời gian có thể lên đến 2h. Chưa kể, Thảo cần di chuyển giữa các địa điểm theo yêu cầu của khách, không tránh được giờ cao điểm kẹt xe dẫn đến tổng thời gian làm việc một ngày bị đẩy lên.
Nhiều hôm, Thảo trang điểm liên tục cho 5, 6 người, làm từ 3h đến 18h mới về nhà.
“Đợt này, tôi không thể ngủ sớm vì phải phục vụ nhiều khách nhất có thể. Tôi thường ngủ lúc nửa đêm hoặc quá nửa đêm. Ngày nào có lịch trang điểm rạng sáng, tôi có cảm giác mình vừa đặt lưng xuống là đã nghe báo thức kêu”, Thảo chia sẻ.
Khi được Tri Thức - Znews hỏi về việc ăn uống hàng ngày, Thảo cười: “Tôi bỏ bữa liên miên để trang điểm cho hết người này đến người khác. Nhiều lúc đang làm, tay tôi run lên vì đói. Tôi phải tranh thủ thời gian trống để ăn lót dạ, khi nào xong việc mới ăn uống cho đàng hoàng”.
Phương Bảo Trân (22 tuổi, sinh sống tại TP Thủ Đức, TP HCM) cũng có kỷ niệm run tay: “Cơ thể rã rời vì trang điểm nhiều ca liên tiếp nên tôi chẳng muốn ăn gì. Nhưng nghĩ đến trường hợp run tay rồi… kẻ mắt lệch cho khách, tôi lại cố uống chút sữa, ăn bánh gạo lứt lót dạ”.
Đã có năm năm kinh nghiệm trong nghề kể từ lớp 12, Trân xem đây là công việc tay trái giúp mình kiếm thu nhập đủ trang trải phí sinh hoạt và một phần tiền học, hơn nữa phù hợp với thời khóa biểu ở trường đại học của Trân.
Trân hiện vừa học vừa làm với lịch trình một ngày như sau: sáng chiều nhận lịch trang điểm, chiều tối (17h-21h) đi học ở trường, đêm về chạy deadline, riêng các tối cuối tuần sắp xếp tham gia khóa makeup (trang điểm).
Trân hiện vừa học vừa làm với lịch trình dày đặc. Ảnh: NVCC. |
Thời gian đông khách nhất của cô rơi vào hai ngày cuối tuần, có khi làm liên tục từ 4h đến 21h. Tệp khách hàng đặt lịch thường là cô dâu và dàn bê tráp - khoảng 6, 7 người. Họ muốn trang điểm sớm để kịp chuyến rước dâu của đàng trai.
Nhìn chung, Trân đã quen với nhịp độ công việc sát Tết nên có thể hoàn thành tốt việc đi học, đi làm. Tuy nhiên, cô phải “trả giá” bằng sức khỏe vì nghỉ ngơi, ăn uống thất thường.
“Kỷ lục” của Trân là chỉ ngủ một tiếng, bởi đi học về thì đồng hồ đã điểm 21h, sau đó Trân tiếp tục chạy deadline đến 3h và có ca trang điểm đầu tiên trong ngày lúc 4h.
Vì thế, Trân chia sẻ với Znews rằng cô từng bị đau bao tử như một lời cảnh tỉnh của cơ thể.
Giờ giấc không cố định
Tri Thức - Znews tiếp tục liên hệ một thợ trang điểm khác là Trần Lộc (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) để trò chuyện về khối lượng công việc cận Tết. Hai lần đầu, Lộc không thể ngơi tay để trả lời, khi hoàn thành ca sáng thì cũng đến giờ ăn trưa và chuẩn bị làm tiếp ca chiều.
Trở về nhà vào khoảng 19h, Lộc dành cho chúng tôi chút thời gian trước giờ ăn cơm để chia sẻ về lịch trình bận rộn của mình.
Lộc cho biết công việc diễn ra vào sáng sớm hay tối khuya phụ thuộc nhu cầu khách hàng, nhưng đa phần các ngày Lộc làm liên tục từ sáng đến tối. Đôi khi, Lộc nhận trang điểm cho người mẫu ở các show thời trang từ trưa đến 1h sáng hôm sau mới kết thúc công việc và trở về nhà.
Thông thường, Lộc duy trì tối thiểu 3 khách/ngày. Trường hợp quá tải, Lộc vẫn nhận hết và sẽ nhường suất cho đồng môn trong lớp trang điểm rồi hưởng hoa hồng trung gian. Giống như Thảo và Trân, chuyện ăn uống của Lộc đợt này khá thất thường, gấp gáp quá thì đành nhịn ăn.
Công việc của thợ trang điểm diễn ra vào sáng sớm hay tối khuya phụ thuộc nhu cầu khách hàng. Ảnh: Freepik. |
Một trường hợp khác là Nguyễn Hồng Đào (24 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP HCM), người phục vụ hầu hết nhu cầu trang điểm, từ tiệc tùng, đám cưới, quảng cáo cho đến dạy trang điểm cá nhân và chuyên nghiệp.
Theo đánh giá của Đào, lượng khách đông đúc cuối năm xuất phát từ nhiều lý do như chiến dịch quảng cáo Tết của các nhãn hàng "nở rộ", nhu cầu học trang điểm tăng cao... Riêng năm nay, Đào thấy khách có xu hướng chụp ảnh áo dài.
Thời gian này, Đào vừa tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn đón Tết, vừa dạy trang điểm vào giờ hành chính trong tuần, còn lại nhận trang điểm cho khách.
"Đặc thù của nghề là không có giờ bắt đầu hay kết thúc, mà phụ thuộc hoàn toàn vào lịch trình của khách hàng. Vì thế, tôi có thể thức xuyên đêm để phục vụ những lễ rước dâu ở xa, bắt đầu trang điểm lúc 2-3h cho anh chị MC hay kết thúc công việc vào nửa đêm sau 18-20 tiếng on set (quá trình quay) liên tục", Đào chia sẻ.
Cả Thảo, Trân, Lộc và Đào đều đồng tình rằng dù mọi người hiện nay dễ dàng tìm mua các loại mỹ phẩm, dịch vụ trang điểm vẫn có đất phát triển.
Với kinh nghiệm năm năm làm nghề, Trân lấy mức phí dao động từ 400.000 đồng đến 2 triệu đồng. Mức rẻ nhất dành cho khách hàng là học sinh - sinh viên; mức cao nhất là gói trang điểm cô dâu đòi hỏi đường nét tỉ mỉ và lớp nền lâu trôi. Không riêng Tết, Trân kiếm hơn 20 triệu đồng/tháng cho những dịp đặc biệt khác, ví dụ như mùa chụp ảnh kỷ yếu.
Với kỹ năng chuyên nghiệp, Trần Lộc có thể nhận về trung bình 30 triệu đồng/tháng - số tiền dùng để nâng cấp đồ nghề và sắm sửa cho Tết Nguyên đán sắp tới.
Mới vào nghề và đang trong quá trình nâng cao chuyên môn, Thảo cũng kiếm ra thu nhập cả chục triệu đồng. Cụ thể, Thảo lấy phí trang điểm cô dâu dao động từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng; trong khi phí trang điểm đơn thuần thì “mềm” hơn, khoảng 350.000 đồng.
Dịch vụ trang điểm thuê hút khách là bởi tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho những ai không trang điểm thường xuyên mà chỉ chú trọng vẻ ngoài trong những dịp đặc biệt hoặc thời điểm cuối năm nhiều tiệc tùng.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.