![]() |
TP.HCM đề xuất cấm dạy thêm sau 20h để học sinh được nghỉ ngơi. Ảnh: Phương Lâm. |
“Cấm dạy thêm sau 20h là không cần thiết và cũng không thể quản lý hết, bởi rất khó để kiểm soát và đảm bảo sự thực thi nghiêm chỉnh, ngay cả trong đội ngũ giáo viên công lập”, ThS Phạm Phúc Thịnh, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý giáo dục, chia sẻ với Tri Thức - Znews trước dự kiến cấm dạy thêm sau 20h của TP.HCM.
Áp lực không hẳn đến từ thời gian học thêm
Theo ThS Phạm Phúc Thịnh, việc học thêm vào buổi tối muộn có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý học sinh hay không còn phụ thuộc vào việc sắp xếp thời gian học thêm và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi của học sinh.
Ông cho rằng nếu học sinh biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập hợp lý, việc học thêm vào buổi tối - miễn không quá khuya - không hẳn là vấn đề. Ngược lại, nếu các em thiếu sự tư vấn từ phụ huynh, giáo viên, dù học sớm hay muộn vẫn có thể dẫn đến kiệt sức, căng thẳng, mất đi sự kiểm soát cảm xúc và thậm chí dẫn đến các hành vi lạm dụng chất kích thích.
Thầy Thịnh đặc biệt nhấn mạnh việc học thêm không có gì xấu, cũng không nhất thiết phải cấm. Cái xấu cần ngăn chặn ở đây là việc học thêm tràn lan. Tuy nhiên, thực tế, việc học thêm tràn lan hiện nay phần lớn bắt nguồn từ tâm lý "đua con" của phụ huynh.
“Thực tế, việc học thêm tràn lan hiện nay phần lớn bắt nguồn từ tâm lý ‘đua con’ của phụ huynh. Chúng ta phải thừa nhận rằng, không phải 100 học sinh đều có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư hay đạt học bổng toàn phần", ông Thịnh nói.
Ngoài ra, ông cho rằng điều quan trọng là phụ huynh hiểu đúng năng lực của con mình và chấp nhận những lựa chọn phù hợp với khả năng của các em. Khi đó, việc học thêm hay dạy thêm sẽ không còn là vấn đề xã hội.
Đồng quan điểm, trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy G.V.Đ. (giáo viên THCS tại TP.HCM) cũng cho rằng áp lực học tập không hẳn liên quan trực tiếp đến giờ học thêm, vì người học vẫn chấp nhận khoảng thời gian đó.
Theo thầy, áp lực học tập chủ yếu đến từ chương trình học tập, các kỳ thi và các định kiến xã hội về bằng cấp.
Thầy lấy ví dụ ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Phần Lan. Học sinh không phải đến trường quá sớm và học quá nhiều thứ trong một ngày. Lượng kiến thức trong một giờ học rất ít, nhẹ, đơn giản. Giáo viên có rất nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm hiểu qua chuỗi hoạt động học tập.
Đến trường, học sinh vừa được học kiến thức ở một mức độ vừa phải, vừa có được nhiều thời gian để rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và nghiên cứu tại lớp. Có như vậy, kiến thức mới đi sâu vào tâm trí người học mà không cần quá nhiều bài tập về nhà cũng như đến lớp học thêm.
![]() |
Thầy Đ. cho rằng chương trình 2018 vẫn còn nhiều nội dung khá nặng về mặt học thuật. Ảnh: Thành Đông. |
Thầy Đ. cũng đánh giá ở nước ta, sau khi đổi mới, chương trình 2018 vẫn còn nhiều nội dung khá nặng nề về học thuật, lý thuyết. Điều này khiến đến cả giáo viên trực tiếp giảng dạy còn rất lo lắng, huống hồ là học sinh và phụ huynh.
Nội dung thi vì thế mà cũng rất nặng, phức tạp, nhiều em nếu không học thêm thì khó có thể đáp ứng được những điều đó..
“Các nhà quản lý giáo dục nên có những giải pháp thiết thực khắc phục gốc”, thầy Đ. nói.
Cấm dạy thêm, học thêm sau 20h là không cần thiết
Chính vì những lý do trên, thầy G.V.Đ. cho rằng việc giới hạn thời gian dạy thêm, học thêm là không cần thiết, hoặc nếu có, nên giới hạn sau 20h30.
Hiện tại, thầy G.V.Đ. đang có 4 lớp dạy thêm tại trung tâm và đều đến 21h, mỗi lớp chỉ dạy 1 buổi/tuần. Thầy thường bắt đầu từ 18h để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, ăn tối trước khi đến lớp.
Theo thầy, nếu giới hạn ở 20h, trung tâm có thể phải đẩy giờ học lên sớm hơn, có thể bắt đầu từ 17h. Điều này khiến thời gian của cả thầy và trò bị bó hẹp, các em có thể không kịp ăn chiều, thậm chí không kịp đến lớp.
Thầy giáo cho rằng học thêm, dạy thêm là thỏa thuận giữa người dạy và người học, vì vậy, các cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu. Việc cần quản lý là các biến tướng của dạy thêm, học thêm và giải quyết phần “gốc” như nêu trên.
Cùng với đó, thầy Đ. khuyên phụ huynh, học sinh cũng cần thay đổi quan điểm, đừng xem việc học thêm là chính còn thời gian học chính trên lớp là để nghỉ ngơi.
Việc dạy thêm, học thêm cần có sự đồng thuận giữa giáo viên và phụ huynh. Trong đó, phụ huynh sẽ là người chủ động tìm thầy cô giáo cho con của mình. Lý tưởng nhất là học sinh đề nghị với cha mẹ cho mình được học với thầy cô mà các con yêu thích.
ThS Phạm Phúc Thịnh cũng nhận định điều tương tự và cho rằng thay vì ban hành lệnh cấm, Sở GD&ĐT nên đưa ra khuyến cáo để phụ huynh và học sinh tự cân nhắc, quyết định việc có nên học thêm sau 20h hay không. Nếu không còn nhu cầu, các lớp học thêm muộn cũng sẽ tự biến mất - dù có hay không có quy định cấm.
“Chìa khóa của vấn đề nằm ở phụ huynh và học sinh. Khi có sự hiểu và đồng thuận từ phía họ, giáo viên cũng sẽ không cần phải ‘lách luật’ khi thực hiện công việc chuyên môn”, ThS Phạm Phúc Thịnh chia sẻ.
Ông bổ sung điều cần thiết là ngành giáo dục nên nhìn vào thực chất rằng học sinh không cần phải giỏi đều, mà cần được học phù hợp với năng lực thật của mình.
Song song đó, Bộ GD&ĐT cũng cần đẩy mạnh truyền thông để giúp phụ huynh hiểu và chấp nhận điều này, từ đó giảm bớt áp lực học thêm lên học sinh.
Trước đó, vào ngày 11/4, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất kết thúc lớp dạy thêm, học thêm trước 20h để trẻ có thời gian nghỉ ngơi, về nhà ăn cơm, trò chuyện cùng gia đình thay vì phải học đến tối muộn. Nếu lớp kết thúc quá muộn, sức khỏe của các em có thể bị ảnh hưởng, hơn nữa không có thời gian sinh hoạt với gia đình.
Ủng hộ quan điểm của Sở GD&ĐT TP.HCM, TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, cho rằng chủ trương này sẽ giúp học sinh tránh khỏi nguy cơ kiệt sức do học tập.
Theo ông TS Minh, bước đi của TP.HCM là một "ngòi nổ tích cực" để các địa phương khác cùng suy nghĩ lại về cách tổ chức học tập cho học sinh. iệc nhân rộng chủ trương này là rất cần thiết, không phải để áp đặt cứng nhắc, mà để thiết lập giới hạn hợp lý nhằm bảo vệ học sinh khỏi lịch học quá tải.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.