Trung tuần tháng 6, quan khách có mặt trong buổi giới thiệu sản phẩm máy bơm nước ozone diệt khuẩn đã được chứng kiến màn trình diễn người mẫu mặc bikini tắm phía sau vách kính. Người mẫu thu hút mọi sự chú ý hôm đó chính là một PG (promotion girl - nhân viên lễ tân phục vụ sự kiện, nữ tiếp thị thời vụ).
PG nay trở thành trào lưu, là ngành dịch vụ với sức cầu rất lớn và nguồn cung dồi dào, tạo nên sự sôi động trên thị trường.
Một PG tại một cuộc triển lãm ôtô Việt Nam năm 2014. |
Cung và cầu
Mỗi tháng, Công ty truyền thông Vietlink tại TP HCM tổ chức khoảng 3-5 sự kiện cho khách hàng, trung bình khoảng 40-50 sự kiện mỗi năm. Tất cả sự kiện này công ty đều thuê PG từ các đơn vị chuyên cung cấp như Công ty nhân sự và lễ tân Jollie Siam, Sao Vàng Đất Việt hay Công ty người mẫu PL...
“Sự kiện nào cũng cần phải có PG. Với các sự kiện đẳng cấp cao và sang trọng, chúng tôi thuê các người mẫu làm PG. Các sự kiện tầm trung có thể thuê các cô gái đã qua huấn luyện và có kinh nghiệm từ các nhà cung cấp PG chuyên nghiệp.
Các sự kiện thấp hơn dạng như đánh thức thương hiệu bằng cách phát tờ rơi, phát hàng dùng thử hay đạp xe mang cờ công ty thì thuê từ các nguồn đa dạng khác nhau” - bà Lê Quỳnh Thư, giám đốc điều hành Vietlink, nói và cho biết thêm hầu như doanh nghiệp nào ở tầm vừa trở lên đều có nhu cầu rất lớn về PG.
“Nhìn chung lúc này nhu cầu của doanh nghiệp về PG là rất lớn, rất thường xuyên” - bà Thư nhấn mạnh.
Cầu lớn, cung cũng không hề nhỏ. Ngoài các PG chuyên nghiệp thuộc các công ty tổ chức sự kiện, đã có sẵn một bộ phận lớn gồm sinh viên, nhân viên văn phòng làm bán thời gian và khá đông những người thất nghiệp tạm thời. Lê Thu Thảo - sinh viên năm cuối Đại học Sài Gòn, đang làm PG cho Hãng Bia Sài Gòn - cho biết, nghề này không đòi hỏi chuyên môn quá đặc thù, quá trình học nghề lại khá nhanh.
“Mỗi khi sự kiện sắp diễn ra, PG được công ty tổ chức khoảng hai buổi học về sản phẩm, cách thưởng thức, học cách khui và rót bia, tập cách đi đứng, cười nói sao cho có duyên” - Thảo cho biết.
Còn PG chuyên nghiệp Nguyễn Thu Hiền ở TP HCM bảo: “Một PG chuyên nghiệp phải học một khóa giống như khóa đào tạo người mẫu. Công ty sẽ tổ chức cho học cách cười, cách đi, trang điểm, cách nói chuyện và kể cả cách đứng tạo dáng bên sản phẩm”.
Tại TP HCM, hiện nay có rất nhiều công ty chuyên cung cấp PG. Thông thường các công ty tổ chức sự kiện sẽ kiêm luôn mảng tìm kiếm PG cho đối tác song gần đây đã có hẳn những đơn vị chuyên cung cấp PG.
Ông Trần Hoài Phong - quản lý PG của Công ty PG Á Đông, có trụ sở tại đường Bùi Viện, quận 1, TP HCM - cho biết nghề PG giờ đây đang thịnh hành nên cần phải có những đơn vị PG chuyên nghiệp như bất kỳ dịch vụ nào khác trong đời sống kinh doanh của TP.
Theo ông Phong, để có nguồn PG lớn đủ cung cấp cho một chiến dịch hoành tráng rộng khắp hoặc cung cấp cho nhiều sự kiện cùng một lúc thì công ty phải đăng tuyển, liên kết với các công ty khác, thậm chí phải tới các trường du lịch trên địa bàn TP tuyển những người có đủ tiêu chuẩn về đào tạo gấp rút.
“Để có PG khiến nhà tổ chức yên tâm cho thành công của sự kiện là không dễ. Với những sự kiện cần những bạn có trình độ ngoại ngữ thì càng khó hơn và phải huy động từ các công ty PG khác” - ông Phong chia sẻ.
Thu nhập từ 150.000 đồng-50 triệu đồng/ca
Chiều 25/6, trên fanpage PG ở TP HCM có thông báo: “Chúng tôi cần bổ sung thêm vài bạn PG phát hành thẻ, lương 150.000 đồng cho 6 tiếng”. Sau 20 phút, có 40 bạn nữ đăng hình ảnh kèm số điện thoại và chiều cao như yêu cầu, chưa kể nhiều người khác thông báo đã nhắn tin cho người đăng tuyển.
Có thể thấy thù lao hiện tại của PG khá thấp và chế độ kèm theo hầu như không có. PG Trần Thúy Hằng (sinh năm 1990, ngụ quận 2, TP HCM) cho biết, nghề này cô làm trước giờ không hề có lương, bảo hiểm hay trợ cấp mà chỉ có cátsê cho từng ca làm việc.
Đợt tham gia hội chợ bất động sản VietBuild diễn ra tại quận 7, TP.HCM từ ngày 18-22/6, mỗi ngày làm từ 8h sáng tới khi hội chợ đóng cửa là 20h cô được nhận 800.000 đồng. Tiền mua đồ trang điểm, son phấn, Hằng phải tự lo, quần áo đồng phục thì công ty lo.
“Chương trình lớn như thế này cátxê mới có giá đó chứ những chương trình khác giá chỉ từ 500.000 đồng hoặc thấp hơn nhưng vẫn phải làm vì công ty quản lý PG trả, nếu không làm thì các sô khác họ sẽ không gọi mình nữa” - Hằng chia sẻ và cho biết thu nhập mỗi tháng từ công việc PG của cô trung bình khoảng 5-7 triệu đồng tùy thời điểm.
Theo khảo sát của chúng tôi, đối với các công ty tổ chức sự kiện, nhân sự, truyền thông và các PG tại TP.HCM trong tháng 6/2015, thu nhập của PG được chia thành bốn dạng cơ bản.
Cao nhất là PG người mẫu, trong đó người mẫu hạng A (hoa hậu, á hậu, người mẫu nổi tiếng, đoạt giải, nhiều người biết, quen mặt với báo đài) có thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/ca.
Người mẫu hạng B, hạng C (có tên tuổi nhất định nhưng chưa thật sự nổi tiếng) khoảng 10-20 triệu đồng/ca. Người mẫu thông thường (đáp ứng một số tiêu chí của người mẫu về ngoại hình, chiều cao, phong cách, bước đi song chưa có tên tuổi) khoảng 2-5 triệu đồng/ca.
Nhóm thứ hai là các PG chuyên nghiệp đã qua huấn luyện có thu nhập khoảng 500.000-1 triệu đồng/ca. Nhóm thứ ba là PG phổ thông (các sự kiện thấp hơn dạng như đánh thức thương hiệu bằng cách phát tờ rơi, phát hàng dùng thử hay đạp xe mang cờ công ty) thu nhập khoảng 300.000-500.000 đồng/ca. Đây là hai nhóm phổ biến nhất trong nghề PG. Cuối cùng là các PG bán thời gian, sinh viên, thu nhập khoảng 150.000-300.000 đồng/ca.
Ngày quá dài, nghề quá ngắn
Ăn vội hộp cơm trưa ở quầy hàng của Công ty xây dựng Hưng Thịnh tại hội chợ bất động sản VietBuild, Hằng cho biết ăn vậy quen rồi vì làm nghề này chỉ được nghỉ ngơi 30 phút lúc ăn trưa. Hằng thường xuyên phải chịu đựng được việc đứng liên tục năm giờ, có khi từ 8h đến 18h cùng ngày.
“Khách còn đi qua đi lại, mình còn phải đứng yên nói cười. Có sự kiện phải đứng liên tục năm ngày, giờ nghĩ lại còn thấy bủn rủn” - Hằng kể.
Từng làm qua nhiều sự kiện khác nhau khắp TP.HCM, Nguyễn Thu Hiền - một PG có nhiều mối ở quận 1 - cho rằng đã làm PG thì chương trình nào cũng mệt. “Việc đơn giản nhất là cười cũng phải cười nhiều tới độ da mặt căng ra. Đứng cũng vậy, nhiều bữa đứng lâu quá tối về xoa dầu nóng hoài chưa hết nhức mỏi” - Hiền nói.
Cả Hằng và Hiền đều thừa nhận phụ nữ như các cô làm nghề này chỉ được một thời vì hết nhan sắc thì các công ty sẽ không cho mình tham gia sự kiện nữa. Người làm nghề PG chỉ tối đa khoảng 5-7 năm là nghỉ. Theo ông Trần Hoài Phong, tuổi nghề PG ngắn ngoài việc nhan sắc PG đi xuống còn có một lý do khác là thị hiếu khách hàng.
“Nghề này ngặt cái là tuổi nghề rất ngắn và mỗi công ty tổ chức một sự kiện sẽ phải liên tục thay đổi PG bởi khách hàng không muốn lặp lại PG đó trong sự kiện lần thứ hai của mình” - ông Phong nói và cho biết thêm PG bây giờ rất nhiều nhưng để có đội ngũ đủ tiêu chuẩn gồm các bạn PG dám làm những sự kiện lớn, thậm chí phải mặc đồ bơi thì rất hiếm. Lý do là PG sợ người ngoài nhìn vào và sợ gặp phải người quen.