Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời kỳ lạ lùng trong sử Việt: Nho sinh mua bằng, quan trường gian lận

Lịch sử phong kiến Việt Nam từng chứng kiến giai đoạn nền giáo dục rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nho sinh bỏ tiền mua danh vị, quan trường đua nhau gian lận thi cử.

Sau khi nhà Hậu Lê thành lập năm 1428, giáo dục được triều đình đặc biệt chú trọng. Năm 1442, vua Lê Thái Tông mở kỳ thi Đình đầu tiên của triều đại mới. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để ghi danh những người đỗ đại khoa.

Cũng thời kỳ này, nước ta xuất hiện nhiều khoa bảng tài năng như Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh, Vũ Kiệt, Thân Nhân Trung, Ngô Sĩ Liên…

Tuy nhiên, bước sang thời Lê trung hưng từ năm 1533, giáo dục Đại Việt bắt đầu suy thoái. Trường thi được tổ chức qua loa, cẩu thả. Nạn đút lót, mua bằng cấp diễn ra công khai, thường xuyên.

Tú tài ba quan nhan nhản, trường thi thành nơi mua bán

Theo đánh giá của sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, việc thi cử thời Lê trung hưng không còn giữ được sự nghiêm túc như thời Lê Thánh Tông nữa. Học trò chỉ chuộng nắn nót từng câu, văn chương ngày càng kém cỏi, học thuộc lòng rồi theo đúng sách viết ra…Thơ phú, tứ lục đều chép theo bài cũ, không sợ giống nhau.

Điều này cũng được Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục: "Phép thi thời trung hưng, kỳ đầu thi năm bài kinh nghĩa, sĩ tử đều chuyên trị một kinh, thể thức bài làm, có phá cú, có tiếp từ, có thích thực, có thúc kết, có bình luận, có tổng kết. Các bậc tiền bối soạn sẵn từng bài, lời lẽ rắn rỏi trang nhã, bọn hậu sinh cùng nhau rập theo bản cũ, quan trường chấm thi chỉ thải bỏ bài nào thối nát mà thôi".

Khoa cu Viet Nam anh 1
Cảnh tái hiện trường thi xưa. Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.

Trong khi đó, các quan trường thi thường dùng lại đề có sẵn của những năm trước, không thay đổi gì. Vì vậy, học giả có nhiều người làm bài sẵn rồi mang bán để nho sinh học thuộc vào chép trong trường thi, quan cứ chấm theo đó lấy đỗ. Kết quả là không chọn được người thi có thực tài.

Từ sau năm 1750, do chiến tranh, loạn lạc, tư tưởng Nho giáo cũng suy thoái, việc học hành và thi cử càng suy kém. Quy chế thi cử càng suy đồi, mất kỷ cương. Theo “kế sách” của Thự phủ Đỗ Thế Giai, chúa Trịnh Doanh cho phép những người muốn thi Hương chỉ cần nộp 3 quan tiền là được dự thi không cần qua sát hạch (tiền thông kinh).

Vì không phải qua sát hạch, ai cũng có quyền tham gia khoa cử nên dân buôn, hàng thịt, người làm ruộng…cũng đua nhau làm đơn xin thi. Có đợt người đi thi quá đông, giày xéo lên nhau, có người bị chết ở cổng trường thi.

Việc trông coi cũng bị thả lỏng, thí sinh mang cả sách vào trường, tự do trao đổi bài, nhờ người khác vào thi hộ. Những tệ nạn đó diễn ra công khai làm trường thi rất lố bịch, lộn xộn.

Đánh giá về việc này, Lịch triều hiến chương loại chí viết rằng: "Những người có thực tài, mười người thi không đậu một. Hạng sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ. Người trên lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được mưu đồ mà không thẹn, làm cho trường thi thành chỗ buôn bán".

Nhiều đại quan gian lận thi cử

Trước thực trạng chất lượng giáo dục ngày càng suy thoái, dư luận xôn xao việc thi cử gian lận, chúa Trịnh Tạc phải cho phúc khảo các sinh đồ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chúa sai quan phúc khảo sinh đồ ba khoa thi Đinh Dậu (1657), Quý Mão (1663) và Canh Tý (1660)... Người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại ba năm học tập, cho miễn tạp dịch. Nếu thi lại lần nữa vẫn không đỗ mới trở về làm dân, chịu tạp dịch. Kết quả, quá nửa không đạt. 

Khoa cu Viet Nam anh 2
Trịnh Căn - một trong những vị chúa mạnh tay với gian lận thi cử. Ảnh: Vanhien.vn.

Năm 1694, chúa Trịnh Căn ban lệnh cho học trò phải trở lại văn thể thời Hồng Đức. Đến năm 1711, chúa Trịnh Cương cho định lại văn thể thi Hương, nhưng không cải thiện được nhiều.

Năm 1720, chúa Trịnh Cương lại thêm lần nữa đặt ra lệ chúa ra đề thi Hương, không để cho quan trường ra đề nữa. Đề thi được quan kinh ra trong phủ rồi trình để chúa phê, gọi là Ngự đề. Sau đó, các đề thi được sao chép, sai người chạy trạm mang đến cho các trường. Những nơi xa như Thanh Hóa và Nghệ An cho phép quan Hiến sát được mở sách ra đề như trước.

Năm 1721, các quan huyện được giao trách nhiệm khảo hạch học trò, kiểm soát số người đi thi, huyện lớn 200 người, huyện vừa 150 người, huyện nhỏ 100 người. Những người giỏi được đưa lên Phủ doãn hoặc Ty thừa khảo lần nữa, chia làm hai hạng sảo thông hoặc thứ thông.

Năm 1725, triều đình ra quy định cách chấm quyển thi Hội. Các quan trường được xét tuyển vào hội đồng chấm. Theo đó, một người đọc, một người nghe, xét cho thỏa đáng rồi mới quyết định lấy đỗ hay đánh trượt.

Bên cạnh việc thay đổi nội dung thi cử, tổ chức trường thi, các chúa Trịnh đồng thời nghiêm trị quan làm sai thi cử. Nhiều vị quan danh tiếng thời kỳ này dính gian lận đều bị xử phạt thích đáng.

Tại khoa thi Hương năm 1673, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò, Phủ doãn Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ. Cả hai đều bị xử đến tội đồ.

Tiến sĩ Ngô Sách Tuân bị kết tội giảo (thắt cổ chết) do gian lận thi cử năm 1696, chủ khảo trường thi Phó đô ngự sử Ngô Hải đồng phạm bị bãi quan, Lê Quý Kiệt bị đuổi về làm thường dân còn Đinh Thì Trung bị bắt đi đày sau vụ gian lận đánh tráo bài thi cho nhau tại khoa thi Hương năm 1775...

Kỳ thi 'Minh kinh bác học' đầu tiên của nước Đại Việt Năm 1075, vua Lý Nhân Tông lần đầu tiên cho tuyển chọn quan lại thông qua kỳ thi nhằm tìm ra người có tài phục vụ đất nước.

Cậu bé bị tước học vị tiến sĩ sau nghi án khai man tuổi đi thi

Bị cho là cố tình khai man tuổi để tham gia khoa cử, cậu bé 13 tuổi đã bị vua Minh Mạng tước học vị tiến sĩ.


Nguyễn Thanh Điệp

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm