Nhiều người Việt vẫn có những thói quen trong nhà bếp chưa khoa học. Ảnh: Peakyeah. |
Theo TS Đặng Xuân Sinh, Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng là ngộ độc do lây nhiễm chéo giữa các thực phẩm sống - chín.
Dùng chung dao, thớt cho thực phẩm sống và chín
Ông chỉ ra sai lầm của nhiều người Việt là sơ chế, luộc, thái… thịt bằng việc dùng chung dao, thớt dẫn đến lây nhiễm chéo vi khuẩn.
Vì vậy, người dân cần sát khuẩn, sử dụng tách biệt dụng cụ chế biến thịt sống và thực phẩm chín. Đồng thời, việc sử dụng các bề mặt thớt dễ lau rửa, vệ sinh để giảm nguy cơ vi khuẩn sinh sôi.
Bảo quản thực phẩm sai cách
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cảnh báo tủ lạnh là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chuyên gia này chỉ ra các thói quen sai lầm trong bảo quản thực phẩm người Việt thường mắc phải:
- Sau bữa ăn 2-3 tiếng, thức ăn thừa (thịt cá…) mới được cất vào tủ lạnh. Trong thời gian đó, thức ăn để ngoài trời, vi khuẩn đã phát triển, chúng ta mới bỏ vào tủ lạnh như vậy cũng không tốt.
- Nhiều bà nội trợ giữ nguyên tô, đĩa thậm chí cho xoong nồi chứa thức ăn thừa vào tủ lạnh sau đó, bữa tiếp theo lại đem ra sử dụng. Việc này làm tăng khả năng nhiễm khuẩn chéo và khiến chúng ta dễ bị ngộ độc. Vì vậy, sau khi ăn, chúng ta cần cho thực phẩm thừa vào hộp đựng hoặc bọc lại bằng túi nylon chuyên dụng để bảo quản sau đó nhanh chóng cho vào ngăn mát.
- Không sơ chế thực phẩm hoặc sơ chế sơ sài trước khi cho vào tủ lạnh. Ví dụ, cá, thịt khi mua từ chợ có thể bị nhiễm bẩn, vi khuẩn. Việc không rửa sạch cho vào tủ lạnh tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn ra thực phẩm khác. Lúc này, thực phẩm mới mang về trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Lười vệ sinh tủ lạnh
Ngoài thói quen sai lầm là để đồ chín lẫn đồ sống, để đồ trong tủ lạnh quá lâu, ít vệ sinh tủ lạnh cũng là thói quen nhiều gia đình mắc phải.
Bên cạnh đó, nhiều người còn thói quen bảo quản tất cả thực phẩm vào tủ lạnh khiến tủ chật cứng, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo nên thực phẩm dễ bị hỏng.
“Việc tủ lạnh chật kín, không gọn gàng khiến hơi lạnh khó lưu thông sẽ làm mất khả năng bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, xếp chật kín thực phẩm, chúng ta sẽ không để ý được thực phẩm bên trong để lâu ngày, hư hỏng. Đây là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus sinh sôi phát triển”, PGS.TS Ninh nói.
Dùng chung dụng cụ trên bàn ăn
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết người Việt có thói quen ăn chung. Nét ẩm thực truyền thống đó được thể hiện qua cách ăn của những người ngồi chung trong mâm cỗ.
"Điều này có những điểm hay, thể hiện sự chia sẻ, đoàn kết. Tuy nhiên chúng ta có thể cải tiến thói quen ăn uống này để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn", TS.BS Sơn nói.
Cụ thể, trên mâm cơm vẫn có các tô, đĩa đựng thức ăn chung nhưng khi lấy đồ ăn về bát của mỗi người cần dùng thìa, muôi chung, tránh thói quen dùng thìa, đũa riêng của mình lấy trực tiếp sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh.
“Chúng ta phải có sự kết hợp giữa thói quen ăn chia sẻ của người phương Đông và sự riêng tư về dụng cụ ăn của người phương Tây trong bữa cơm. Gần đây, ở Việt Nam, nhiều gia đình cũng đã thực hiện việc này bằng cách mỗi cá nhân có bát nước chấm riêng…. Sự tách riêng đảm bảo vệ sinh an toàn sức khỏe. Bởi như chúng ta biết, nhiều bệnh lây qua đường ăn uống như bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn…”, TS.BS Hồng Sơn cho biết.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.