Một số thói quen hay làm ngay sau ăn khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: Krhow. |
Chúng ta thường có những thói quen cố hữu. Tuy nhiên, không phải thói quen nào cũng tốt và mang lại lợi ích cho bản thân, đặc biệt là sức khoẻ.
Nằm ngay sau khi ăn
Nằm ngay sau ăn sẽ gây áp lực cho dạ dày, không có lợi cho quá trình tiêu hoá thức ăn. Về lâu dài, hệ tiêu hoá và đường ruột bị rối loạn, dẫn tới táo bón và không thể đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến sự lưu thông trơn tru của tuần hoàn máu, rất bất lợi cho quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Ăn trái cây sau bữa ăn
Lúc này, trái cây sẽ bị tắc nghẽn bởi thức ăn trước đó và không được tiêu hoá đúng cách. Nếu trái cây ở trong dạ dày quá lâu sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, thừa calo dẫn đến tạo thành chất béo. Do trái cây thường chứa nhiều đường fructose, vì vậy, bạn nên ăn chúng vào buổi sáng hoặc trưa, từ 30 phút đến một tiếng trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn khoảng 1-2 tiếng để các vitamin và vi chất được hấp thụ tốt nhất.
Ăn sữa chua ngay sau bữa ăn
Ăn sữa chua sau bữa ăn tương đương với việc nạp thêm năng lượng. Bạn làm việc này hàng ngày sẽ khiến tăng cân rất nhiều. Chúng ta chỉ nên uống sữa chua ít nhất từ 30 phút đến 2 tiếng sau bữa ăn.
Uống nước sau bữa ăn
Uống nước ngay sau ăn sẽ làm loãng dịch dạ dày. Thức ăn trong dạ dày xuống ruột non khi chưa được dịch dạ dày “xử lý” đúng cách sẽ khiến khả năng hấp thu suy giảm, dễ dẫn tới các bệnh của đường tiêu hoá về sau (tiêu chảy, sống phân…).
Hút thuốc sau bữa ăn
Hút thuốc tại bất cứ thời điểm nào cũng đều mang lại những bất lợi cho cơ thể. Hút thuốc tại thời điểm hệ tiêu hoá đang vận động toàn diện, phổi và các mô toàn cơ thể sẽ hấp thụ rất nhiều khói thuốc. Lúc này, phần lớn thành phần độc hại trong khói thuốc bị hấp thụ, gây kích thích mạnh hệ hô hấp và tiêu hoá, dẫn tới những bệnh lý nặng nề về sau (viêm phổi, giãn phế nang, ung thư phổi, khoang miệng, thực quản…).
Uống trà đặc sau bữa ăn
Trà đặc chứa nhiều tannin, sẽ kết hợp với protid chưa được tiêu hoá thành chất kết tủa, ảnh hưởng tới quá trình hấp thu chất đạm, gây tình trạng đau bụng mạn tính, đầy bụng. Đặc biệt, tannin khiến việc hấp thụ ion sắt trong thức ăn bị ngưng trệ, dẫn tới cơ thể thiếu hụt sắt cho quá trình tạo máu. Điều này có thể gây thiếu máu với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp.