"Thời trang cực nhanh” đã thu hút được vô số người trẻ tuổi, những người thích mua quần áo giá rẻ trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Boohoo của Anh, Shein của Trung Quốc và Emmiol của Hong Kong vận hành cùng một mô hình kinh doanh dựa trên Internet - sản xuất các mặt hàng, ra mắt bộ sưu tập mới với tốc độ chóng mặt và giá cả ở mức thấp nhất.
Thời trang cực nhanh của các công ty như Shein đang ngày càng trở nên phổ biến với những người dưới 25 tuổi. Ảnh: Index. |
Thời trang nhanh đánh vào tâm lý người thích đồ giá rẻ
Họ đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các chuỗi “thời trang nhanh” nổi tiếng hơn, chẳng hạn H&M và Zara. Trong đó, những người dưới 25 tuổi thích đặt nhiều đơn hàng cho thời trang cực nhanh.
Thời trang cực nhanh phổ biến với những người có ảnh hưởng trực tuyến. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, Greenpeace coi hiện tượng "quần áo vứt đi" là rất lãng phí, cho rằng cần tới 2.700 lít nước để tạo ra một chiếc áo phông giá rẻ.
Nhóm Greenpeace cho biết: "Nhiều loại quần áo rẻ tiền này kết thúc trên những bãi rác khổng lồ, bị đốt cháy trên đám cháy lộ thiên, dọc theo dòng sông và trôi ra biển, để lại hậu quả nặng nề cho con người và hành tinh".
Những bức ảnh chụp hàng núi quần áo kém chất lượng, được trả lại cho người bán hoặc vứt ngay sau khi mua, đã lan truyền nhanh chóng, làm gia tăng lượng lớn rác thải.
Nhu cầu đối với hàng may mặc giá rẻ tăng vọt do tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi nhiều cửa hàng trên đường phố với chi phí lớn phải vật lộn để cạnh tranh. Bloomberg cho biết Shein đã tạo ra 16 tỷ USD doanh thu toàn cầu vào năm ngoái.
Người mua đam mê số lượng hơn chất lượng
Khách hàng mua áo phông với giá 4,8 USD, trong khi bikini và váy được bán với giá chỉ 9,75 USD/chiếc.
Học sinh trung học Lola (18 tuổi), sống ở thành phố Nancy của Pháp, cho biết mua sắm Shein đã trở thành thú vui rẻ tiền. Thương hiệu thời trang nhanh này cho phép cô theo dõi các xu hướng mới nhất "mà không cần chi tiêu khoản tiền lớn". Cô cũng thể hiện quan điểm không quan tâm đến chi phí môi trường.
Lola thường đặt 2-3 đơn hàng/tháng trên Shein cho khoảng 10 mặt hàng với giá trị tổng trung bình là 71 USD.
Các sản phẩm của Shein có giá rất rẻ khi mua trực tuyến và được những người dưới 25 tuổi ưa chuộng. Ảnh: Remezcla. |
Mục tiêu của những thương hiệu thời trang cực nhanh là nhân khẩu học trẻ có ít tiền mặt hơn để chi tiêu. Theo giáo sư kinh tế Valerie Guillard tại Đại học Paris Dauphine, người mua "tìm kiếm số lượng hơn là chất lượng".
Shein, được thành lập vào cuối năm 2008, hiện bán trên khắp thế giới, nhờ sự hiện diện rộng rãi của nó trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Các thương hiệu mở rộng phạm vi tiếp cận của họ thông qua quan hệ đối tác chi phí thấp, với số lượng lớn người dùng mạng xã hội để xây dựng lòng tin và tăng doanh số bán hàng.
Những người trẻ quan tâm đến vấn đề "không có gì để mặc" mỗi ngày, vì vậy họ chọn thời trang giá rẻ để mua sắm được nhiều. Ảnh: Dazed. |
Tác động tiêu cực đến hành tinh
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này nổi tiếng là tiêu thụ tài nguyên quý giá và gây tổn hại đến môi trường. Các công ty thời trang siêu nhanh cũng vướng vào bê bối về điều kiện làm việc tồi tệ trong nhà máy của họ.
Vào tháng 11/2021, tổ chức phi chính phủ Public Eye tại Thụy Sĩ phát hiện ra nhân viên trong một số nhà máy của Shein làm việc tới 75 giờ/tuần, trái với luật lao động của Trung Quốc.
Boohoo của Anh cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các nhà cung cấp của họ đã trả lương thấp cho công nhân ở Pakistan.
Cơ quan chuyển đổi sinh thái của Pháp ước tính rằng thời trang nhanh chiếm 2% trọng lượng khí thải nhà kính toàn cầu mỗi năm. Con số đó bằng cả vận tải hàng không và giao thông hàng hải cộng lại.
"Ngành công nghiệp thời trang đóng góp rất lớn vào tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái, chưa kể đến tác động của nó đối với vô số người lao động và cộng đồng đang bị bóc lột trên khắp thế giới. Mục đích của họ là để khách hàng có thể tận hưởng thời trang nhanh mà nhiều người coi như đồ dùng một lần", Thunberg viết năm ngoái.
Công nhân may quần áo tại xưởng Shein ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |