Chuyến ghé thăm bảo tàng Cuộc sống Đô thị Seoul ở quận Nowon của phóng viên tờ JoongAng Daily đã hé mở nhiều điều về quá trình phát triển thời trang tại đất nước này. Từ năm 1945 tới nay, nhiều biến động xã hội đã tác động mạnh mẽ lên phong cách của người dân xứ sở kim chi.
Từ năm 1945 đến những năm 1960
Sau năm 1945, Hàn Quốc vật lộn với cuộc sống đói nghèo sau giải phóng và quá trình công nghiệp hóa. Trước chiến tranh, mọi người chủ yếu mặc hanbok và các loại quần áo truyền thống. Tuy nhiên, việc sản xuất sau đó trở nên khó khăn và khả năng chi trả của người dân cũng suy giảm.
Giai đoạn này, thời trang phương Tây dần du nhập vào Hàn Quốc. |
Vào những năm 1960, chính phủ bắt đầu khuyến khích người dân lựa chọn trang phục phương Tây. Họ thúc đẩy người dân thay đổi phong cách thông qua các buổi trình diễn thời trang với sự góp mặt từ người nổi tiếng.
Myeongdong ở trung tâm Seoul trở thành thánh địa của các cửa hàng quần áo may đo. Choi Kyung-ja (1911-2010), nổi lên là một trong những nhà thiết kế thời trang đầu tiên của Hàn Quốc. Choi cũng thành lập Kookje Boutique và Kookje Fashion Design Institute.
Park Hye-lim, người phụ trách triển lãm, chia sẻ: "Di sản của Choi sau này đã trở thành Cao đẳng đào tạo nghề thiết kế thời trang Kookje ngày nay. Cô ấy có nhiều sinh viên nổi tiếng trong ngành thời trang Hàn Quốc, ví dụ André Kim".
Những năm 1970
Thời gian này cũng đánh dấu giai đoạn khởi sắc của thời trang Hàn Quốc. Cùng mốc thời gian này, Hàn Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng với xuất khẩu của đất nước tăng lên 10 tỷ USD vào năm 1977.
Tại các khu trung tâm Seoul, những người trẻ (từ 20 đến 30 tuổi) xuất hiện với váy ngắn, quần jeans. Những chiếc váy hoa văn hình học như vuông, bầu dục cũng phổ biến vào thời điểm này.
Phong cách thời trang Hàn Quốc thời kỳ này đã bớt sự gò bó. |
Trước đó, Hàn Quốc khá gắt gao với người dân trong việc lựa chọn trang phục. Các tài liệu tại bảo tàng cũng chỉ ra việc mặc váy ngắn từng bị cấm. Trong khi đó, nam giới để tóc quá dài bị cho là "giới tính không rõ ràng".
Dù vậy, vào những năm 1970, các khuôn khổ này cũng không còn nữa.
Những năm 1980
Seoul những năm 1980 chứng kiến nhiều thay đổi. TV màu xuất hiện và thành phố tổ chức Thế vận hội mùa hè 1988. Điều này dẫn đến sự bùng nổ văn hóa đại chúng.
Các thương hiệu thể thao như Nike, adidas ngập tràn đường phố. Điều này cũng dễ hiểu khi người dân quay cuồng trong những sự kiện thể thao.
"Quảng cáo thời trang tăng mạnh vào những năm 1980. Trước đó, quảng cáo chủ yếu liên quan đến thực phẩm. Tuy nhiên, TV màu xuất hiện và thời trang cũng lấn sân", Park nói.
Thời trang được quảng cáo nhiều hơn vào thời kỳ này. |
Năm 1983, chính phủ bãi bỏ quy định về đồng phục và kiểu tóc cho học sinh. Điều đó giúp giới trẻ có cơ hội tự do thể hiện bản thân hơn. Đó cũng là lý do phim Reply 1988 lấy bối cảnh Seoul và các nhân vật chính không mặc đồng phục.
Những năm 1990 tới nay
Vào những năm 1990, thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980) đi đầu trong các xu hướng thời trang. Hip-hop được ưa chuộng nhờ các nhóm nhạc nam như Seo Taiji and Boys. Trong số gen X có những người là con của các gia đình giàu có. Họ thường sống ở Apgujeong-dong, nam Seoul, được mệnh danh là "tầng lớp cam".
Tờ Chosun Ilbo số ra ngày 2/2/1992 giải thích phong cách điển hình của gia tộc da cam là "áo khoác da lộn với váy ngắn và bốt da". Họ cũng nổi bật với phong cách xa hoa khi thường mặc những món đồ hiệu cao cấp.
Chiếc túi Chanel này được "tầng lớp cam" ưa chuộng. |
Thuật ngữ "tầng lớp cam" bắt nguồn từ đây vẫn còn gây tranh cãi. Một số lập luận cam là một loại trái cây đắt tiền vào những năm 1990. Số khác nói nó đại diện cho việc các "tầng lớp cam" du học ở nước ngoài, tới những thành phố như Los Angeles (Mỹ). Hầu hết cam được nhập khẩu từ đây.
Ngày nay, thời trang ở Hàn Quốc đã nâng lên tầm cao mới nhờ làn sóng Hallyu. Các nhóm nhạc đình đám như Big Bang, Blackpink hay BTS... tạo ảnh hưởng lớn lên khắp châu Á, thậm chí lan rộng tới thế giới. Sau khoảng 70 năm, bộ mặt thời trang Hàn Quốc đã thay đổi hoàn toàn.