Thập niên 1900: Tennis trở nên phổ biến ở Anh từ thời Victoria. Thời điểm này, phụ nữ chơi tennis phải mặc những chiếc váy dài, cổ cao, tay dài, đi tất chân... Nó giống bộ trang phục đi tiệc hơn là chơi thể thao. Bộ váy vướng víu làm việc di chuyển của vận động viên khó khăn. Thời đó, màu trắng được nhiều người lựa chọn do tennis giống biểu tượng của giới thượng lưu. Ảnh: NY Times. |
Thập niên 1920: Xu hướng Flapper đầu thế kỷ 20 đã tạo nên sự thay đổi lớn cho thời trang nữ toàn cầu. Khoảng 10 năm trước, lối ăn mặc hướng đến tính lịch sự, kín đáo. Tuy nhiên, với xu hướng Flapper, các cô gái đã ăn mặc phóng khoáng, cá tính hơn. Họ nổi bật với kiểu tóc ngắn cá tính, váy ngắn gợi cảm hơn. Tay vợt người Pháp Suzanne Lenglen đã gây ấn tượng trong giai đoạn này khi ra sân ở Wimbledon. Cô mặc chiếc váy chỉ dài đến đầu gối, để lộ cánh tay. Lenglen cũng là vận động viên nữ đầu tiên trong lịch sử đeo băng đô thi đấu. Ảnh: WTA. |
Thập niên 1930: Thời điểm này, phong cách của Helen Wills Moody được nhiều vận động viên ưa chuộng. Váy dài tới đầu gối và chiếc mũ trắng đặc trưng giúp Moody nổi bật trên sân đấu. Ảnh: Wimbledon. |
Thập niên 1940: Thời trang của tay vợt người Mỹ Gertrude Moran tại Wimbledon 1949 đã đón đầu xu hướng cho thập niên 1950. Phần áo có những nếp gấp tinh tế ở cổ. Moran mặc váy ngắn với lớp lót ren bên trong. Các nhiếp ảnh gia đã nằm bò ra đất để có những bức ảnh đẹp nhất về chiếc quần ren. Ảnh: Time. |
Thập niên 1950: Phần eo thời kỳ này được bó lại để tôn lên nét nữ tính của vận động viên nữ. Váy thi đấu được thiết kế kiểu xếp ly. Giống Maureen Connolly - tay vợt người Mỹ, nhiều vận động viên cũng mặc thêm áo cardigan khi ra sân. Ảnh: Britannica. |
Thập niên 1960: Văn hóa Mod - viết tắt của Mordenist (tạm dịch: hiện đại) - là chủ đạo của thời trang những năm 1960. Xu hướng này nhấn mạnh yếu tố vừa vặn. Các bộ trang phục được thiết kế với họa tiết hình học, màu sắc tươi sáng. Ảnh: How They Play. |
Ảnh hưởng của văn hóa Mod tới tennis là điều dễ thấy. Họa tiết gingham, nổi bật với những ô vuông đơn sắc, phủ bóng trên các mặt sân. Các tay vợt nữ cũng yêu thích quần short ngắn với họa tiết đơn giản, sáng màu. Ảnh: SI. |
Thập niên 1980: Xu hướng trang phục thi đấu thập niên này là ôm sát, gọn gàng. Tay vợt Anne White được chú ý khi mặc chiếc áo liền quần màu trắng tại Wimbledon 1985. Dù vậy, các quan chức đã yêu cầu cô ăn mặc hợp truyền thống hơn vào ngày thi đấu sau. Cũng trong thời gian này, quả bóng tennis màu sáng (thay cho bóng đen, trắng) đã được sử dụng rộng rãi, qua đó giúp người xem dễ theo dõi hơn trên truyền hình. Điều này cũng khiến trang phục thi đấu tennis thay đổi. Các tay vợt bắt đầu mặc thêm những bộ đồ màu pastel hay neon. Ảnh: Acast. |
Thập niên 2000: Anna Kournikova và Maria Sharapova là hai cái tên khiến người hâm mộ chú ý về cả màn trình diễn trên sân lẫn những thứ họ mặc. Kournikova chuộng những bộ trang phục ngắn, bó sát và lấy cảm hứng từ bikini. Sharapova lại tự thiết kế trang phục và kết hợp với những viên pha lê Swarovski. Ảnh: Jimmie. |
Năm 2010: Tại French Open 2010, Venus Williams đã gây sốc khi ra sân với chiếc áo màu đen, kiểu ren. Áo đấu của cô không khác gì nội y. Williams mặc quần màu nude gợi cảm. Cả Venus lẫn Serena đều là những người tiên phong trong việc phá cách trang phục tennis nữ thời hiện đại. Ảnh: Popsugar. |
Năm 2016: Xu hướng gợi cảm được các nhãn hàng lăng xê trong thời gian này. Nike đã tung ra sản phẩm váy babydoll có tên "Nike Premier Slam". Nó rất ngắn nên khi tay vợt nữ thi đấu, quần lót của họ dễ dàng lộ ra. Nike đã phải thu hồi toàn bộ sản phẩm này trước giờ khai mạc Wimbledon 2016. Ảnh: SI. |
Năm 2018: Serena Williams bị chỉ trích vì mặc bộ catsuit với thắt lưng hồng. Lý do Williams mặc là cô mới trở lại sân đấu sau khi sinh con. Bộ trang phục giúp cô tránh các vấn đề đông máu. Tuy nhiên, nó lại bị nhiều nhân vật cấp cao đánh giá không phù hợp. Bộ catsuit của Serena đã làm nổ ra cuộc tranh luận về việc kiểm soát trang phục vận động viên tennis nữ. Ảnh: ESPN. |