Theo đó, việc nhân hệ số hai của điểm môn chính sẽ chuyển từ hệ điểm 30 sang hệ điểm 40. Vì vậy, điểm xét tuyển tối thiểu có tính đến hệ số môn chính sẽ bằng điểm xét tuyển cơ bản nhân với 4 chia cho 3. Điểm ưu tiên cũng bằng điểm ưu tiên theo quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ứng với hệ điểm 30) nhân với 4 chia cho 3.
Ví dụ thí sinh khối B, quy định môn Sinh là môn chính, trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Khi đó, điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là 15x4:3=20 điểm. Tổng điểm của thí sinh sau khi điểm môn chính nhân hệ số 2 phải đạt từ 20 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển.
Nếu thí sinh có kết quả môn Toán 5 điểm, Hóa 6 điểm, Sinh học 4 điểm, tổng điểm của thí sinh là 15, bằng mức điểm xét tuyển cơ bản, nhưng điểm xét tuyển tính theo hệ số môn chính lại là 5+6+4x2=19 điểm, thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản có nhân hệ số. Do đó, thí sinh này sẽ không đỗ.
Tương tự, điểm ưu tiên của thí sinh cũng được nhân với 4, sau đó chia 3. Ví dụ thí sinh được 3 điểm ưu tiên thì khi tính điểm xét tuyển có nhân hệ số, điểm ưu tiên của thí sinh được tính bằng 3x4:3=4 điểm.
Việc quy định một môn thi chính trong số ba môn thi đại học và môn này sẽ được nhân hệ số 2 khi tính điểm đã được một số trường áp dụng nhiều năm, nhất là với các ngành khối năng khiếu hoặc khối D. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ về cách tính điểm sàn của môn thi này.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, cách tính này nhằm phù hợp với mục tiêu của nhà trường khi quy định môn chính, đó là chọn lọc thí sinh có năng lực ở một lĩnh vực phù hợp với ngành đào tạo.