Trong tháng 1, Indonesia đã thông qua đạo luật dời đô và đặt tên cho thủ đô mới. Trước đó, vào năm 2019, cựu Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đưa ra đề xuất di chuyển thủ đô để ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông ở Bangkok.
Tuy nhiên, cả hai quốc gia trên đều không phải “người tiên phong” thực hiện quyết định táo bạo này trong khu vực Đông Nam Á.
Từ những năm 1980, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đề xuất di dời các cơ quan hành chính quốc gia đến một thành phố xanh ở phía nam Kuala Lumpur, với tên gọi Putrajaya, theo Nikkei Asia.
Trong khi Kuala Lumpur vẫn là thủ đô tài chính và thương mại của Malaysia, đồng thời là nơi đặt nghị viện và cung điện, Putrajaya trở thành trụ sở của chính phủ nước này. Các bộ và cơ quan chính phủ bắt đầu chuyển đến đây vào năm 2003, theo Star.
Đến nay, hầu hết cơ quan chính phủ, bao gồm cả văn phòng thủ tướng và dinh thự chính thức, đang ở Putrajaya. Không những vậy, Putrajaya còn nổi tiếng với mô hình thành phố xanh, hiện đại và thông minh.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đề xuất di dời các cơ quan hành chính quốc gia đến Putrajaya. Ảnh: Getty Images. |
Sau hơn 40 năm, sự phát triển của Putrajaya đã chứng tỏ tầm nhìn của vị thủ tướng lúc bấy giờ.
"Không khí ở Putrajaya rất trong lành, có nhiều không gian xanh để thư giãn và kiến trúc thú vị để chiêm ngưỡng", tiến sĩ Sundari Ramakrishna, người đã sinh sống nhiều năm ở thành phố này, chia sẻ.
"Biến một nơi từ con số không - nơi từng chỉ có những đồn điền cọ cũ - trở thành một thành phố như hiện tại, điều đó thật tuyệt vời", cô nói với BBC.
Quốc gia tiên phong
Trước khi xây dựng Putrajaya, các văn phòng chính phủ Malaysia được đặt tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Kuala Lumpur. Tuy nhiên, với tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng gia tăng, khoảng cách giữa các văn phòng gây cản trở rất lớn cho hoạt động hành chính.
Do đó, chính quyền cựu Thủ tướng Mohamad đã quyết định tạo ra một thủ đô mới, nơi tập trung các văn phòng chính phủ thành một trung tâm hành chính hiệu quả hơn.
Giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á, tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thủ đô là thách thức lớn với Malaysia. Ảnh: Piston. |
Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đề xuất dời thủ đô hành chính từ Kuala Lumpur đến một địa điểm chỉ cách khoảng 25 km về phía nam, với tên gọi Putrajaya. Thành phố này được đặt theo tên vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia Tunku Abdul Rahman Putra al-Haj.
Trước khi được quy hoạch, nơi đây chỉ là một khu đất lộn xộn với các đồn điền cao su và cọ dầu. Toàn bộ dự án xây dựng được thiết kế và thực hiện bởi Tập đoàn Putrajaya, với giá trị ước tính 8,1 tỷ USD. Đây được xem là dự án táo bạo nhất của ông Mahathir trong suốt 24 năm lãnh đạo đất nước.
Thành phố tương lai
Putrajaya được xây dựng dựa trên ý tưởng “thành phố trong vườn”, kết hợp với những con đường rộng và các tòa nhà hùng vĩ mang đậm kiến trúc Hồi giáo.
Ốc đảo này cũng được mệnh danh là một trong những cảnh quan thành phố xanh và sạch nhất châu Á, với 37% diện tích đất dành cho công viên và địa điểm công cộng.
Theo tiến sĩ Sundari Ramakrishna, không gian xanh ở thành phố này là môi trường sống rất quý giá cho các loài động thực vật.
"Putrajaya là một nơi tuyệt vời cho động vật sinh sống", cô nói. "Có rất nhiều khu rừng và hồ nước sạch, yên tĩnh ở đây. Chắc chắn điều đó đã giúp tạo ra sự đa dạng sinh thái đáng kinh ngạc ở thành phố này".
Theo BBC, hiện có gần 100 loài chim đang cư trú ở Putrajaya. Đây cũng là môi trường sống quý giá của 1.800 loài côn trùng, 16 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát và 16 loài động vật có vú.
Thật khó tin khi khu bảo tồn thanh bình này chỉ cách mái vòm xanh của tòa nhà văn phòng thủ tướng 2 km về phía bắc.
Hình ảnh tòa nhà chính phủ ở Putrajaya. Ảnh: Expat. |
Putrajaya cũng được coi là một phần của hành lang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trải dài về phía nam từ Kuala Lumpur.
Bên trong một trung tâm quản lý lớn, nhân viên quan sát thành phố qua những chiếc camera được đặt ở mọi ngóc ngách, bà Tengku Aina Ismail, Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Putrajaya, cho biết. Những chiếc camera này sẽ nhanh chóng xác định và cảnh báo cho nhân viên các vấn đề về giao thông, tội phạm, ô nhiễm hay cơ sở hạ tầng.
Nhờ đó, Putrajaya được ca ngợi là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp thiên nhiên và cuộc sống hiện đại. Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng xem thành phố này là hình mẫu để học hỏi.
Các quan chức chính phủ Indonesia đã tìm kiếm kinh nghiệm từ Malaysia khi lên kế hoạch xây dựng thủ đô mới, Chủ tịch Datuk Dr Aminuddin Hassim của Tập đoàn Putrajaya nói với Star.
“Indonesia muốn tìm hiểu cách Malaysia phát triển Putrajaya từ con số không để trở thành một thành phố thông minh như ngày nay”, ông nói.