Ngày này năm trước, Bùi Thị Hà được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vì là một trong 100 thủ khoa xuất sắc. Em tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2, hiện thất nghiệp ở nhà bán hoa quả, nuôi lợn.
Chia sẻ với báo chí, Hà cho hay em dự kỳ thi tuyển giảng viên nhưng không đỗ nên trở về quê hương. Hà chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở Hà Giang. Em nhận được lời hứa rằng trường hợp này sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt.
Từ chối thi vào trường chuyên Hà Giang
Trả lời Zing.vn ngày 11/10, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang - cho biết việc tuyển dụng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, công khai, khách quan và minh bạch, vì vậy không thể vội vàng.
Thủ khoa Bùi Thị Hà (trái) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Theo đó, Bùi Thị Hà tốt nghiệp năm 2016, trở về Hà Giang từ tháng 10 cùng năm. Người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh cho biết ông quan tâm đặc biệt thủ khoa xuất sắc.
"Tôi đã đích thân tới nhà thăm và động viên khi biết Hà vừa là thủ khoa. Bố em mất sớm, gia đình có bốn mẹ con. Tôi đã trao đổi thông tin, quan điểm với Hà, hiểu mong muốn của em là về tỉnh nhà giảng dạy. Trong các đợt thi tuyển sau, tôi đều chủ động thông báo để Hà làm hồ sơ đúng quy trình", ông Sử nói.
Cùng năm đó, trường THPT chuyên Hà Giang có đợt thi tuyển giáo viên, giám đốc Sở GD&ĐT đã gửi thông báo cho Hà. Cô gái này nộp hồ sơ nhưng lại không thi tuyển.
“Tôi được biết các thầy cô giáo tại trường chuyên Hà Giang không gọi được cho Hà trong ngày thi tuyển. Vì sợ em kẹt xe, họ chủ động lùi thời gian thi lại một chút, có ý chờ đợi, nhưng Hà vẫn không đến”, ông Sử thông tin.
Bùi Thị Hà xác nhận, năm ngoái có đợt thi tuyển vào trường THPT chuyên Hà Giang, em đã bỏ lỡ cơ hội.
Sau đó, Hà viết email gửi trường THPT chuyên Hà Giang, nêu rõ: “Hôm nay, em viết thư này rất mong gửi đến quý nhà trường bởi hôm 10/1/2017, em không có mặt để dự thi. Thực sự, đưa ra quyết định này rất khó khăn với em. Như quý thầy cô đã biết em ra trường với một kết quả học tập khá cao nhưng giữa lý thuyết và thực tế vẫn là một khoảng cách.
Bản thân em cả tuổi đời và tuổi nghề còn rất non trẻ, thiếu sót rất nhiều, nên để bước vào cánh cổng trường chuyên, ngôi trường chuyên nghiệp như vậy, em nghĩ mình cần học hỏi thêm vài năm nữa. Mong thầy cô thông cảm cho em”.
Biên chế chỉ là một cánh cửa, không phải tất cả
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang chia sẻ hiện tại, cả nước còn thừa vài chục nghìn cử nhân sư phạm, việc em Hà chờ đợi trong quá trình tuyển dụng là đương nhiên. Hiện nay, tỉnh Hà Giang cũng có nhiều thạc sĩ đang chờ để được tham gia thi tuyển.
Cũng theo vị giám đốc sở, thủ khoa xuất sắc về tỉnh nhà sẽ có những ưu tiên trong tuyển dụng chứ không phải được tuyển thẳng. Tỉnh Hà Giang không từ chối Hà, chỉ có Hà từ chối không tuyển dụng, mặc dù em là trường hợp ít có ở tỉnh khi trở thành thủ khoa xuất sắc (điểm tốt nghiệp trung bình từ 9 phảy trở lên).
“Người trẻ mới ra trường mà muốn được vào luôn cơ quan hành chính sự nghiệp, có công ăn việc làm, gần nhà, lương tốt là điều khó có thể đạt được”, ông Sử nói.
Theo ông, thủ khoa tốt nghiệp làm việc ở Hà Giang hay ở bất cứ nơi nào cũng tốt, đều góp ích cho đất nước.
Ông gửi lời khuyên đến những sinh viên trẻ mới ra trường, ngoài kiến thức cần học hỏi thêm nhiều điều về cuộc sống, làm việc để có kinh nghiệm trong khi chờ đợi mục điêu đạt được công việc như ý muốn.
“Biên chế chỉ nên là một cánh cửa, một sự lựa chọn mà thôi, không nên là tất cả”, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang nói.