"Tấm bằng thủ khoa có khi còn là gánh nặng với các bạn sinh viên khi đi xin việc, bởi phải thể hiện sự vượt trội so với các ứng viên khác. Nhiều doanh nghiệp không nhận thủ khoa nếu không có quá trình thi tuyển và thử việc bình đẳng như mọi người. Không có cánh cửa công việc nào mở miễn phí chỉ vì em là thủ khoa".
Đó là ý kiến của Ngô Thị Hương Thảo, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc với điểm học tập toàn khóa tuyệt đối (4/4) của Học viện Tài chính năm 2017.
Cũng như Hương Thảo, nhiều thủ khoa khác có những chia sẻ về trường hợp của Bùi Thị Hà, thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016, thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả, nuôi lợn.
Một lễ tuyên dương thủ khoa được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Tiền Phong. |
Buổi lễ tuyên dương đã kết thúc
Từ năm 2003, cứ vào thời điểm này, thành phố Hà Nội lại chọn và mời các thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc từ các trường đại học, học viện; sinh viên có thành tích rèn luyện và công tác Đoàn - Hội ấn tượng để vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Kết thúc buổi lễ tuyên dương, trở về với cuộc sống, các thủ khoa là những người mới trong thị trường việc làm vốn ngày càng khó khăn vì dư thừa nhân lực.
Bốn năm xếp loại học tập xuất sắc, từng có nhiều công trình khoa học cấp khoa, trường được đăng báo, thủ khoa Học viện Ngân hàng Hương Thảo vẫn khẳng định, thời điểm hiện tại, danh xưng thủ khoa không quá quan trọng.
Thảo cho biết từ khi còn ngồi ghế nhà trường, cô đã chủ động tìm việc chứ không ở nhà thụ động chờ được phân công công tác.
Cô gái sinh năm 1995 từng nhận giấy khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm năng lực và hiệu quả công việc rất quan trọng. Các kỹ năng và kinh nghiệm từng được rèn luyện trong thực tế mới là thứ giúp sinh viên tìm được chỗ đứng tại công ty, cơ quan, chứ không phải tấm giấy khen thủ khoa.
Ngô Thị Hương Thảo, thủ khoa Học viện Tài chính năm 2017. Ảnh: NVCC. |
Cũng trải qua thời gian ở nhà kéo dài như Bùi Thị Hà là Nguyễn Thị Mai Thương, thủ khoa Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2017.
Cô gái đến từ huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết trong nửa năm ra trường, em vừa kinh doanh riêng, làm thêm nhiều việc, vừa "rải" hồ sơ xin việc.
Cách đây vài ngày, em được Phòng Địa chính ở huyện nhận và đã bắt đầu công việc mới.
"Chỉ tiêu hạn chế, biên chế ít, công việc ngành Quản lý Đất đai 'khó tìm như sao trên trời', danh hiệu thủ khoa chỉ là tấm bằng khen có giá trị tinh thần. Trong thời gian thất nghiệp, em liên tục 'rải' hồ sơ, đi phỏng vấn, làm thử, phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu", Mai Thương cười nói.
Nguyễn Hữu Chinh, thủ khoa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thừa nhận có chút "tự mãn" khi trở thành thủ khoa. "Nhưng tấm bằng khen đó chỉ có giá trị với cá nhân em và gia đình, hoặc lâu lâu nhận được vài lời khen của bạn bè. Nó không giúp gì nhiều trong việc tìm được công ty ưng ý".
Chàng trai đất mỏ Quảng Ninh cho biết cậu có ghi chi tiết thủ khoa vào hồ sơ xin việc và nhận được sự chú ý từ nhà tuyển dụng, nhưng đó chỉ là ấn tượng ban đầu. Quá trình thi tuyển, phỏng vấn, thử việc vẫn diễn ra bình thường, không có gì đặc biệt.
"Buổi lễ vinh danh diễn ra vài tiếng, được phát trực tiếp trên truyền hình, nhưng chỉ... vậy thôi. Sau đó mới là cuộc sống thật, thủ khoa hay ai cũng vậy, đều là sinh viên mới ra trường", Hữu Chinh nêu quan điểm.
'Làm đúng ngành, ở gần nhà' rất khó
Sau khi ra trường, nhờ ngoại hình bắt mắt, kinh nghiệm sẵn có khi đi làm từ năm thứ hai, Hương Thảo nhận được lời mời từ một số công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, nhưng thủ khoa Học viện Tài chính vẫn muốn dành thời gian trau dồi kiến thức để ứng tuyến vào một cơ quan Nhà nước theo đúng chuyên môn đã học.
"Muốn trở thành công chức không hề sai mà là nhu cầu dễ hiểu của nhiều người. Mong ước làm đúng ngành, nghề, được ở gần gia đình cũng vậy. Thế nhưng, việc thỏa mãn tất cả yêu cầu này rất khó. Bản thân em cũng xác định đi làm nhiều năm nữa, nếu may mắn mới trở thành công chức", Thảo tâm sự.
Hiện tại, trong khi chờ đợi tìm được công việc ưng ý, Hương Thảo vẫn vừa đi làm thêm, vừa đi học, vì "kiến thức đại học không đủ, và chuyên môn làm việc cần được rèn luyện hàng ngày".
Nguyễn Thị Mai Thương, thủ khoa Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2017 . Ảnh: NVCC. |
Mai Thương cũng có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, mẹ một mình nuôi 2 con ăn học. Em mong muốn tìm việc gần nhà để chăm sóc gia đình.
"Mẹ lớn tuổi cần con cái ở bên, thế nên em hiểu hoàn cảnh của chị Bùi Thị Hà. Nhưng số lượng công việc đúng ngành học của em ở Hà Tĩnh không nhiều, em chấp nhận xin việc cả ở những lĩnh vực khác. Không thể đòi hỏi cái gì cũng hoàn hảo. Đó là cuộc sống thật", thủ khoa Học viện Nông nghiệp cho biết.
Trường hợp khác là Nguyễn Đức Quỳnh, thủ khoa Đại học Lâm nghiệp. Theo học khoa Quản lý rừng và Môi trường, chàng trai quê Lai Châu xin làm thêm ở các vườn ươm, công ty chăm sóc cây trồng từ năm thứ nhất.
"Em xác định về quê hương làm việc chứ không trụ lại Hà Nội. Từ khi mới đi học, em đã xác định ngành học, công việc cần làm, các kỹ năng cần biết. Không ai quyết định được hoàn cảnh, nhưng có thể chọn cách sống. Em muốn ở gần gia đình, nên phải chuẩn bị trước mọi thứ để có thể tìm được việc ở quê nhà", Quỳnh chia sẻ.