Thủ lĩnh trẻ từng bỏ học vì khủng hoảng
Hoàng Đức Minh là gương mặt trẻ nổi bật nhất của VN hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Minh cho rằng, bằng cấp không quan trọng, và cậu từng bỏ học một thời gian dài.
>> Gặp chàng 'hot boy' của quần đảo Trường Sa
>> Trò chuyện với thầy giáo có 'hội phát cuồng' trên mạng
Hoàng Đức Minh (sinh năm 1990), được biết đến như là thủ lĩnh trẻ tuổi nhất về môi trường của Việt Nam hiện nay. Mới 22 tuổi nhưng Đức Minh đã là giám đốc các chương trình về môi trường, đại biểu tham dự hội nghị biến đổi khí hậu Copenhaghen tại Đan Mạch, thường xuyên có mặt trong các chương trình về môi trường và khí hậu. Thế nhưng cũng từng có lúc Minh muốn…bỏ học.
Hoàng Đức Minh |
Bằng cấp không có giá trị lắm
- Minh được biết đến với quá nhiều thành tích như vậy, có lúc nào bạn gặp khủng hoảng chưa?
- Đương nhiên là có! Khủng hoảng đến mức độ mình đã nghỉ học 3 tháng, chỉ nằm ở nhà xem phim, đọc truyện, đi dự hội thảo, không đến trường và ngừng hoàn toàn các dự án. Khi đó mình cảm thấy kiệt sức thật sự, không thể cân bằng được giữa việc học ở trường và việc làm ngoài xã hội nữa. Dự án thì bị đình trệ, học hành trên lớp thì tệ hại. Về căn bản là mình đã chủ quan quá mức, ôm đồm nhiều thứ thành ra bị kiệt sức.
- Ở đại học Minh có học tốt không? Quan niệm về bằng cấp của Minh như thế nào?
- Mình chia sẻ thành thật là ở đại học mình học không tốt lắm và mục tiêu không phải là tấm bằng đỏ. Tại sao lại như thế? Mình học ở Đai học Thủy lợi, chuyên ngành Tài nguyên nước thế nhưng mình không nghĩ là sau này sẽ làm về mảng thủy lợi. Chưa kể đến thực tế việc học ở đại học khác xa với những hoạt động ngoài đời, bổ ích thiết thực cho chính bản thân Minh.
Quan điểm của bản thân mình là bằng cấp ở Việt Nam không có giá trị lắm! Điều đó chẳng bao giờ nói lên được là bạn giỏi hay là bạn dốt? Nếu như bạn có bằng đỏ, bằng loại ưu chưa chắc bạn đã là người giỏi. Nó chỉ chứng minh một điều rằng bạn học giỏi các môn học ở trên lớp mà thôi. Nhiều khi chính vì quá sùng bái bằng cấp mà mình quên đi những giá trị khác, những thước đo khác khẳng định con người. Theo mình, bằng cấp cũng chỉ là một trong những hệ giá trị, những thước đo để đánh giá một người thôi chứ không phải là tất cả. Nếu xem nó là tất cả thì ắt hẳn dẫn đến sai lầm.
"Nếu như bạn có bằng đỏ, bằng loại ưu chưa chắc bạn đã là người giỏi. Nó chỉ chứng minh một điều rằng bạn học giỏi các môn học ở trên lớp mà thôi". |
- Minh bắt đầu hoạt động về môi trường như thế nào?
- Mình hoạt động về môi trường từ những ngày còn nhỏ xíu. Bắt đầu manh nha bằng việc dịch tài liệu tiếng Anh sang tiếng Việt cho bố khi mới học lớp 4. Sau đó thì lên cấp 2 mình theo bố đi dự các hội thảo về môi trường, làm phiên dịch rồi làm quen với rất nhiều bạn bè trẻ tuổi cũng làm trong lĩnh vực môi trường. Đến cấp 3 thì lại chú tâm vào học hành, mình học lớp chuyên Sinh. Mọi chuyện cứ dần dần trôi qua, mình không có hoạt động nào nổi bật cho đến khi tôi vào đại học. Lúc đó các hoạt động về môi trường của mình mới được đông đảo mọi người biết đến.
Đam mê và thực tế
- Môi trường có phải là niềm đam mê lớn nhất của Minh không?
- (Cười). Không, môi trường không phải là niềm đam mê lớn nhất của mình. Niềm đam mê lớn nhất của mình là tế bào gốc. Đó là điều thật tuyệt vời và kỳ diệu. Tế bào gốc giải thích sự sinh ra và chết đi của con người. Tại sao lại từ một tế bào mà hình thành nên cả loài người? Tại sao khi con người già thì khả năng tái tạo tế bào lại không còn được như ngày còn trẻ? Mình thích tế bào gốc và cả sinh sản vô tính nữa. Nói chung đó là đam mê và ước vọng lớn nhất của mình. Mình thích nó nhưng môi trường là điều thực tế hơn. Và mình theo đuổi môi trường.
- Khi tham gia vào lĩnh vực môi trường, bạn đã học hỏi được điều gì?
- Rất nhiều thứ để học. Không chỉ được học kiến thức chuyên ngành về môi trường và biến đổi khí hậu, mình còn học được tất cả các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống: từ xây dựng mối quan hệ, kết nối mạng lưới công việc thế nào, xây dựng chiến lược dự án, chiến lược tuyên truyền, kinh doanh, tuyển nhân sự, điều hành, lãnh đạo, tổ chức sự kiện, viết thông cáo báo chí… Tất cả những kỹ năng đó mình đều phải học để điều hành tổ chức một cách tốt nhất. Chỉ cần chuyên về một thứ, như mình là môi trường chẳng hạn thì bạn sẽ học hỏi được rất nhiều thứ sau đó.
- Làm sao để Minh quy tụ được những bạn trẻ chung lý tưởng? Minh khác với các bạn khác ở điểm nào?
- Theo mình nghĩ chắc là do bản thân dám làm và tất cả đều được chứng minh bằng hành động. Khi mình sang Singapore thì thấy một bạn trẻ 17 tuổi thôi nhưng đã lập ra diễn đàn tập hợp người trẻ từ mấy chục quốc gia trên thế giới cùng chung tay đến gửi thông điệp bảo vệ môi trường, cùng phát biểu ý tưởng về bảo vệ môi trường.
Thế là mình cũng tự hỏi: ở Việt Nam chưa có một tổ chức, một diễn đàn nào của giới trẻ để bảo vệ môi trường cả. Và khi trở về nước, mình cũng đứng ra tổ chức một diễn đàn chung tay bảo vệ môi trường như thế. Nhưng có khác chăng là quy mô của mình nó không hoành tráng xuyên quốc gia như họ. Quy mô các bạn trẻ tập trung từ những tỉnh thành khác nhau. Và mình cũng tự hào là chúng chúng mình đã lo ăn ở, vé máy bay, vé tàu được cho các bạn ấy.
- Khi là giám đốc dự án Minh có cảm thấy khó khăn không? Nhất là ở độ tuổi khá trẻ, mới 20?
- Khó khăn là một phần tất yếu cho nên mình không nản. Nhiều bạn trước khi bắt đầu một việc gì đó, chưa gì đã liên tưởng hết khó khăn này đến trở ngại khác. Họ bị khó khăn đè bẹp ý chí ngay từ lúc đầu. Còn mình thì nghĩ đã làm giám đốc dự án thì tất yếu là phải có khó khăn. Nó là một phần của công việc, tôi không than trách, kể lể. Mình lần lượt giải quyết từng vấn đề.
- Sở thích của Minh khi rảnh rỗi là gì?
- Mình rất thích cưỡi ngựa và leo núi. Cưỡi ngựa ở sông Hồng là một trong những thú vui xả căng thẳng hữu hiệu. Khi đến Thụy Sỹ, mình cảm thấy khung cảnh ở đất nước đó thật tuyệt vời, một vùng đất yên bình. Mình leo núi và tập chạy bộ ở đó. Mình thích hòa mình vào với thiên nhiên.
Đức Minh thích cưỡi ngựa ở sông Hồng. |
Chàng trai trẻ cũng thích leo núi, chạy bộ, hùng biện. |
Ngoài ra thì mình còn rất thích hùng biện nữa! Đó là một lĩnh vực đang du nhập vào Việt Nam và sẽ còn phát triển rất mạnh mẽ nữa. Ba học sinh của mình đã đạt huy chương đồng hùng biện - cuộc thi do tổ chức hùng biện giáo dục quốc tế (The International Debate Education Association) vừa tổ chức cuộc thi Karl Popper dành cho các thí sinh châu Á.
Mình nghĩ sở thích chuyển thành đam mê sẽ rất dễ để thành công. Nhưng thành công cũng cần làm tốt những thứ mà đôi khi mình không thích nữa.
Một số hoạt động của Hoàng Đức Minh
Năm 2001: bắt đầu tham gia vào những chuyến thực địa tai các rừng quốc gia, dịch thuật các bài báo về môi trường. Năm 2008, tham gia thực tập tại trường ĐH Hawaii, Mỹ. Cuối năm 2008 thành lập tổ chức RAECP. Năm 2009 là một trong 12 học viên của chương trình Thủ lĩnh cộng đồng Cracking Class, phó ban tổ chức Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững Từ 2009 – 2010, đã tham gia 7 sự kiện hội thảo quốc tế, tại 8 nước. Là một trong 3 đại diện của thanh niên Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu COP 15, Copenhagen, Đan Mạch. Tham gia giảng dạy, nói chuyện về biến đổi khí hậu và phong trào môi trường tại hội thảo, thuyết trình, dự án ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, TP.HCM, Đà Nẵng |
ĐẶNG NHUNG
Theo Infonet