Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Cell Metabolism đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa hàm lượng proline trong huyết tương và mức độ stress của người, chuột.
Proline là một trong số 20+ loại axit amin cấu tạo nên tất cả protein trong cơ thể chúng ta. Từ khoảng 10 năm trước, các nghiên cứu đã nhận ra proline có mối liên hệ với trạng thái căng thẳng (stress) ở nhiều đối tượng sinh vật, từ thực vật tới con người. Quá trình chuyển hóa proline trong cơ thể có thể sinh ra các gốc tự do (ROS) gây ra các phản ứng oxy hóa có hại cho hoạt động thần kinh và thúc đẩy cơ chế gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis).
Tuy nhiên, trước đây chưa có công bố nào chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa hàm lượng proline trong thực phẩm tiêu thụ, proline trong máu và xu hướng stress của con người.
Thực phẩm giàu proline có thể làm tăng mức độ căng thẳng
Nghiên cứu này kết hợp nhiều phương án tiếp cận khác nhau để tăng độ tin cậy của dữ liệu và phân tích mối tương quan dưới nhiều góc độ:
Proline trong thực phẩm và huyết tương có mối liên hệ chặt nhất với tình trạng stress của các tình nguyện viên tham gia phỏng vấn khảo sát. Những người có chế độ dinh dưỡng giàu proline và hàm lượng proline trong máu cao nằm trong nhóm có điểm stress cao nhất. Ngược lại, nhóm có chế độ dinh dưỡng ít proline và ít proline trong máu có điểm stress thấp nhất. Tuy nhiên, không phải ai tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu proline cũng có proline trong máu cao.
Đánh giá thành phần vi sinh trong ruột (gut microbiota) cho thấy những người tiêu thụ nhiều proline nhưng có ít proline trong máu có thành phần vi sinh ruột tương tự người tiêu thụ ít proline và có điểm stress thấp. Hệ vi sinh ruột của tình nguyện viên có điểm stress khác nhau được đưa vào đường tiêu hóa của chuột và chuột mô hình stress cũng có biểu hiện stress tương ứng với điểm của tình nguyện viên. Đây là bằng chứng rất sinh động cho mối tương quan này.
Những người có chế độ dinh dưỡng giàu proline và hàm lượng proline trong máu cao nằm trong nhóm có điểm stress cao nhất. Ảnh: Uade. |
Các tình nguyện viên có điểm stress thấp hay có proline máu thấp đều có nhiều các lợi khuẩn trong ruột như Actinobacteria, Lachnospiraceae. Đây là các vi khuẩn có khả năng chuyển hóa tốt proline, thậm chí vi khuẩn như Bifidobacterium sp (vi khuẩn đầu bảng trong khả năng sản sinh GABA, một chất dẫn truyền thần kinh) có tác dụng giảm căng thẳng.
Ngược lại, ở tình nguyện viên hay chuột có điểm stress cao, vi sinh ruột lại giàu các vi khuẩn như Acidaminococcus sp, là vi khuẩn sống dựa vào các axit amin khác, không phải proline, hay nói cách khác không có khả năng chuyển hóa proline tốt.
Mặc dù không phải ai tiêu thụ nhiều proline cũng có proline máu cao và tăng nguy cơ căng thẳng/stress, nhưng đây vẫn là yếu tố hàng đầu trong thực phẩm có liên hệ với tình trạng stress. Vì vậy, những ai đang gặp tình trạng căng thẳng liên tục, việc giảm các nguồn thực phẩm giàu proline có thể cân nhắc tới.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra việc sử dụng các thuốc giảm căng thẳng không làm thay đổi thành phần vi khuẩn ruột có liên hệ với điểm stress. Điều này có nghĩa là vai trò của các thuốc giảm căng thẳng hiện nay có thể chỉ có tác dụng tức thời mà không có tác dụng lâu dài, người bị stress liên tục phải phụ thuộc nhiều vào thuốc. Phát hiện mới này có thể giúp thiết kế phương án điều trị có tác dụng lâu dài hơn.
Ăn gì giúp giảm stress?
Thực phẩm giàu proline có thể kể tới các thực phẩm giàu đạm (không chỉ proline mà còn có nhiều loại axit amin khác), thực phẩm giàu collagen, gelatin (da, nước xương, lòng đỏ trứng...), các sản phẩm từ đậu nành, phô mai, lạc/đậu phộng.
Những ai đang gặp tình trạng căng thẳng liên tục, việc giảm các nguồn thực phẩm giàu proline có thể cân nhắc tới. Ảnh: Bigodino. |
Đặc biệt, phụ nữ đang sử dụng nhiều sản phẩm collagen dạng uống cần lưu ý là tỷ lệ proline/hydroxyproline trong collagen lên tới 25%. Việc dùng nhiều thuốc bổ trợ collagen không những tác dụng chưa được chứng minh rõ ràng mà còn có thể gây thêm căng thẳng (làm tăng tốc lão hóa da).
Một trường hợp đặc biệt là sữa, có hàm lượng proline cao nhưng lại chứa nhiều thành phần tác dụng giảm căng thẳng. Các nghiên cứu ở người cũng khẳng định vai trò này. Lactoferrin, lactium, tryptophan và phospholipid trong sữa đã được chứng minh là có tác dụng an thần, hạn chế phản ứng thần kinh gây căng thẳng.
Không những thế, các sữa có bổ sung lợi khuẩn, sữa chua có probiotic như Bifidobacterium còn có thêm GABA từ hoạt động lên men của vi khuẩn, là một chất giúp giảm căng thẳng rất tốt. Vai trò làm giảm căng thẳng của sữa có ý nghĩa sinh học lớn vì đây là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh, hợp gặp rất nhiều stress do đột ngột chuyển môi trường sống.
Khi gặp stress, chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn, nhưng không phải thực phẩm nào cũng làm cho tình trạng stress giảm, thậm chí là ngược lại. Đây là một điểm cần lưu ý, đặc biệt trong thời gian gần đây do nhiều khó khăn kinh tế, tình hình sức khỏe khiến rất nhiều người bị stress.