Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.H. (nữ, 36 tuổi) đến từ Sóc Sơn (Hà Nội) với biểu hiện đột quỵ não. Người phụ nữ này có tiền sử thay van tim cơ học cách đây 15 năm.
Sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, chồng chị H. phát hiện vợ bị méo miệng, nói khó, yếu liệt nửa người hoàn toàn bên phải. Trước đó một ngày, chị H. quên uống thuốc chống đông máu.
Khoảng 10h, bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có các triệu chứng của đột quỵ. trong lúc ngủ.
Ê-kíp chuyên gia phẫu thuật lấy huyết khối, cứu người bệnh bị đột quỵ não trong lúc ngủ. Ảnh: BVCC. |
Hình ảnh chụp cộng hưởng cho thấy tắc động mạch não giữa bên trái, vùng nguy cơ thiếu máu có thể cứu được với kích thước lớn hơn vùng hoại tử rất nhiều. Do đó, các bác sĩ đã quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch.
Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục, có thể tự nâng và tự cử động đầu ngón tay, bàn chân. Hiện tại, người bệnh đi lại được và tỉnh táo hoàn toàn, được chuyển về khoa Nội - Hồi sức thần kinh để tiếp tục theo dõi, kiểm tra.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đột quỵ thiếu máu hay nhồi máu não chiếm tỷ lệ 80-85% ở các bệnh nhân.
Thiếu máu não kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu não, nếu không được tái thông kịp thời sẽ để lại các di chứng nặng nề.
Qua trường hợp của chị H., các chuyên gia khuyến cáo người dân có tiền sử bệnh lý tim mạch tuyệt đối không được quên uống thuốc chống đông máu. Nếu không, hậu quả khôn lường có thể xảy đến. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đột quỵ cần được nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế uy tín.
Để nhận biết dấu hiện đột quỵ, chúng ta cần ghi nhớ nguyên tắc F.A.S.T. Trong đó, F (face) là biểu hiện của gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng. A (arm): Kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân; S (speech): Ngôn ngữ bất thường; T (time): Thời gian, nếu xuất hiện một trong 3 dấu hiệu kể trên, người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao, chúng ta cần khẩn trương gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Ngoài ra người bệnh có yếu tố nguy cơ cao (cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao, hút thuốc lá…) cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc.