Các mẫu thịt heo, pate heo, rau sống ăn kèm... trong bánh mì có nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ảnh minh họa: Pixabay. |
Liên quan vụ ngộ độc tập thể nghi do ăn bánh mì ở TP Vũng Tàu, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo kết quả xét nghiệm các thực phẩm đầu vào tại tiệm bánh mì, xôi "Cô Ba Bến Đình" (số 6 đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP Vũng Tàu) phát hiện có nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Cơ quan chức năng đã kết luận các mẫu thực phẩm nói trên không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Tính đến chiều 29/11, tổng cộng gần 380 bệnh nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị liên quan ăn bánh mì, xôi tại cơ sở trên. Trong đó, một người không qua khỏi là ông T.V.R (71 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu).
Loại vi khuẩn quen thuộc
ThS.BS Trần Thị Thu Nguyệt, Viện Y học ứng Dụng Việt Nam, cho biết nhiệt độ và độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu, nếu không được bảo quản cẩn thận.
Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt cũng khiến hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn, cơ thể sẽ giảm khả năng chống lại.
Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh (phải) thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN. |
Theo bác sĩ Nguyệt, người dân thường bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella, E.Coli, Clostridium botulinum. Trong đó, Salmonella là phổ biến nhất.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ, Salmonella là nhóm vi khuẩn phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Chúng thường lây lan do nấu không đúng cách và lây nhiễm chéo. Vi khuẩn Salmonella thường được tìm thấy nhiều nhất ở:
- Các sản phẩm thịt và gia cầm sống hoặc nấu chưa chín
- Trứng và sản phẩm trứng sống hoặc nấu chưa chín
- Sữa tươi hoặc chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa khác
- Trái cây và rau sống
Thực phẩm bị nhiễm Salmonella có thể ảnh hưởng đến hình dáng, mùi vị, chất lượng và có khả năng gây bệnh cho người.
"Có nhiều chủng vi khuẩn Salmonella gây bệnh, trong đó chủ yếu là các chủng Salmonella gây ngộ độc thực phẩm (bệnh Salmonellosis), khác với chủng Salmonella gây bệnh thương hàn và phó thương hàn", bác sĩ Nguyệt lý giải thêm.
Khi nào nên nghi ngờ nhiễm Salmonella?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Salmonella gây bệnh cho con người nhiều hơn chúng ta nghĩ. Cứ mỗi ca mắc được phát hiện thì có tới 30 trường hợp chưa được phát hiện. Tại Mỹ, ước tính mỗi năm Salmonella gây ra hơn 1,35 triệu ca mắc, 26.500 bệnh nhân phải nhập viện và 420 trường hợp không qua khỏi.
Hầu hết người mắc Salmonella sẽ có biểu hiện tiêu chảy, sốt, đau và co thắt ở dạ dày. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm Salmonella, chậm nhất là sau nhiễm 4-7 ngày. Tuy nhiên, một số người không có triệu chứng gì trong vài tuần, hiếm gặp người xuất hiện triệu chứng sau vài tuần nhiễm Salmonella.
Salmonella cũng có thể gây các nhiễm trùng ở đường tiết niệu, máu, xương, khớp, hoặc hệ thần kinh thực vật và não, tủy.
Theo bác sĩ Thu Nguyệt, việc chẩn đoán xác định mắc Salmonella được thực hiện trong phòng xét nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm như phân, tế bào hoặc dịch cơ thể.
Hầu hết người nhiễm Salmonella sẽ hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần dùng kháng sinh. Bệnh nhân cần uống các dung dịch bổ sung nước và điện giải bị mất do tiêu chảy, như Oresol và các dịch uống khác.
Việc chẩn đoán xác định mắc Salmonella được thực hiện trong phòng xét nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm như phân, tế bào hoặc dịch cơ thể. Ảnh: Shutterstock. |
Điều trị kháng sinh được bác sĩ cân nhắc cho các bệnh nhân sau:
- Người mắc bệnh nặng
- Bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, chẳng hạn người có HIV hoặc đang trong hóa trị
- Người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền, bệnh mạn tính, như bệnh tim mạch…
- Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi
- Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên
Hầu hết người bị tiêu chảy do Salmonella sẽ hết triệu chứng hoàn toàn. Tuy nhiên, một số ít người có thể bị ảnh hưởng đến chức năng đi ngoài của ruột và mất vài tháng để trở lại bình thường.
Bác sĩ Nguyệt cho biết một vài bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp không nhiễm khuẩn khi mắc Salmonella, có thể kéo dài một vài tháng và rất khó để điều trị hết bệnh. Cá biệt một số người mắc viêm khớp không nhiễm khuẩn này còn có thể bị kích ứng mắt hoặc đau khi đi tiểu.
Những người dễ bị nhiễm Salmonella
Salmonella sống trong đường ruột của người và động vật. Do vậy, con người có thể bị nhiễm Salmonella bằng nhiều cách khác nhau:
- Ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc uống nước uống bị nhiễm khuẩn
- Chạm vào động vật mang mầm bệnh hoặc các chất thải, dịch tiết của chúng.
Theo CDC Mỹ, một số người có thể bị mắc bệnh nặng hơn những người khác, bao gồm:
- Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm dễ mắc Salmonella nhất. Một số báo cáo cho biết 2/3 số người mắc Salmonella trên thế giới là trẻ dưới 5 tuổi.
- Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhất là những trẻ không bú sữa mẹ.
- Trẻ nhỏ, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người có hệ miến dịch suy yếu dễ mắc Salmonella nặng hơn.
- Những người bệnh đang điều trị các thuốc làm giảm acid dạ dày cũng có nguy cơ mắc Salmonella cao hơn.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.