TP.HCM đang là điểm nóng của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 này tại Việt Nam. Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 961 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
TP.HCM vừa quyết định kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội do số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thành phố vẫn ghi nhận các ổ dịch mới và một số bệnh viện lớn phải tạm thời phong tỏa.
Ghi nhận biến chủng Ấn Độ tại TP.HCM
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 ở TP.HCM, một số thông tin cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc ghi nhận biến chủng SARS-CoV-2 mới tại đây.
Trả lời VTV tối 15/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định thông tin biến chủng mới xuất hiện tại TP.HCM là không chính xác.
"Chúng tôi cũng mới kiểm tra lại thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM. Theo đó, cho đến bây giờ, việc giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM vẫn là chủng B.1.617.2, chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ, hay còn gọi là biến chủng Delta", ông Sơn cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định biến chủng virus ở TP.HCM vẫn là B.1.617.2. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo ông Sơn, biến chủng Delta có khả năng phát tán nhanh hơn khoảng 60 lần so với chủng virus ở Anh (phát hiện tại Hải Dương). Và độc lực của chủng này cũng có xu hướng tăng lên.
Trước đó, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 14/6, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhận định biến chủng virus Delta là sự khác biệt trong đợt dịch mới bùng phát tại TP.HCM.
Trong đợt dịch lần này, TP.HCM ghi nhận rất nhiều chùm ca nhiễm trong gia đình, tòa nhà chung cư. Thậm chí, 71 nhân viên trong hơn 300 người cùng làm việc chung một môi trường kín có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tỷ lệ đạt gần 1/4. Con số này cho thấy mức độ lây lan virus với biến chủng Delta rất nhanh.
Giám đốc HCDC cho biết thêm biến chủng Delta khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhanh hơn. Người bệnh chỉ tiếp xúc F0 sau 3 ngày đã có thể xuất hiệu triệu chứng của Covid-19.
“Với biến chủng tại Anh, chúng ta ghi nhận 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, với ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng vừa qua, 66% người được thống kê là có triệu chứng. Chu kỳ lây nhiễm trong 3 ngày kết hợp tỷ lệ xuất hiện triệu chứng cao dẫn đến sự lây nhiễm rất nhanh của biến chủng”, vị lãnh đạo này nhận định.
TP.HCM có nhiều nguồn lây khác nhau
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định thành phố có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ mức độ lan rộng không chỉ tập trung ở một nguồn duy nhất, mà có thể từ nhiều nguồn khác nhau.
"Vì vậy, công tác dập dịch ở TP.HCM trong thời gian tới phải rất tích cực. Chúng ta cần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, sau đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch", Thứ trưởng chia sẻ.
Theo ông Sơn, trong công tác truy vết, dập dịch, điều may mắn và dễ dàng là phát hiện được nguồn lây F0 đầu tiên, từ đó, truy vết theo nguồn lây này, chúng ta tìm kiếm được các F1.
Tuy nhiên, một số trường hợp cũng gây khó khăn cho các nhà dịch tễ học trong việc xác định nguồn lây đầu tiên. Đối với những trường hợp như vậy, Thứ trưởng khẳng định bên cạnh việc tiếp tục tích cực truy tìm căn nguyên, chúng ta phải rà soát theo dấu vết đã phát hiện được, hay còn gọi là truy vết.
"Việc truy vết càng nhanh, càng thần tốc, chúng ta càng giảm được mức độ lây lan. Đây là vấn đề tôi nghĩ cần ưu tiên hơn trong đợt dịch này ở TP.HCM", Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định dịch Covid-19 bùng phát có thể từ nhiều nguồn lây khác nhau. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về vấn đề giãn cách xã hội thêm 14 ngày, Thứ trưởng hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố.
"Những vùng chúng ta đã phong tỏa, khoanh vùng thì càng nhỏ càng tốt nhưng phải thực hiện rất nghiêm chỉnh các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngoài Chỉ thị 15, thành phố cũng phải thực hiện Chỉ thị 15+, một số điều kiện của Chỉ thị 16 và nhiều điều kiện khác.
"Để đảm bảo trong điều kiện thực tiễn ở TP.HCM, chúng ta phải tạo được lưu thông sản xuất, nhưng đồng thời hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thực hiện khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế. Đến nay, khẩu hiệu này vẫn còn nguyên giá trị cho đến giai đoạn hiện nay", Thứ trưởng nói.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 961 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh. Ổ dịch lớn nhất liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch có diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với 55 nhân viên y tế mắc Covid-19.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.