Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư cách ăn vải không nóng trên TikTok

Theo lời khuyên được đăng tải, cách làm này sẽ giúp người ăn vải hạn chế tình trạng nóng trong, nổi mụn, nhiệt miệng.

Ngày 15/5, kênh TikTok “Love Your Body” đăng tải một video với nội dung chia sẻ cách ăn trái lệ chi (quả vải) không bị nóng trong người. Trong video này, vải được đề cập tới là loại quả gây ra tình trạng nóng trong, nhiệt miệng. Thậm chí, một quả vải còn được so sánh với 13 ngọn đuốc nhằm thể hiện đặc tính này.

Theo đó, để hạn chế tình trạng nóng trong do vải gây ra, người này cho hay một số lương y đã gợi ý chúng ta nên ăn cả lớp màng trắng giữa lớp vỏ và phần thịt của quả vải.

Tuy nhiên, hiệu quả cũng như cơ sở khoa học của phương pháp này lại không được làm rõ trong video.

Sự thật

Trao đổi với Zing về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định lời khuyên này chưa chính xác.

Ông giải thích: “Lớp màng trắng của quả vải không chứa bất cứ chất dinh dưỡng nào. Lớp màng này cũng không mang lại tác dụng cho cơ thể hay hạn chế nóng trong như lời khuyên”.

Vị chuyên gia nói thêm thông thường, khi bóc vỏ quả vải (lớp vỏ cứng ngoài cùng), lớp màng trắng này cũng sẽ được tách luôn khỏi phần thịt vải. Tuy nhiên, nếu sau khi bóc, lớp màng này vẫn sót lại, việc ăn chúng cũng không ảnh hưởng tới cơ thể, dù phần nào làm mất vị thơm ngon của quả vải với vị chát, ngang.

PGS Thịnh thông tin thêm đây cũng là điểm khác biệt giữa vải và cam, bưởi. Cụ thể, cùi cam, cùi bưởi dù không ngon nhưng vẫn mang lại một số tác dụng tốt cho con người.

“Trong cùi cam, bưởi có chứa khá nhiều pectin. Chất này mang lại cảm giác nhớt tương tự rau mồng tơi. Pectin giúp cơ thể dễ tiêu hóa hơn, từ đó kéo theo những chất độc, kim loại nặng ra ngoài bằng đường phân”, ông giải thích.

Với tác dụng nhuận tràng của pectin, cùi cam, cùi bưởi còn được nhiều người chế biến để làm các món ăn khác hay uống trà.

Bản chất vải không gây nóng

Liên quan vấn đề này, PGS Nguyễn Duy Thịnh thừa nhận vải lâu nay vẫn bị nhiều người cho rằng gây nóng trong và phải tránh ăn quá nhiều.

Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định loại quả này không trực tiếp gây ra tình trạng nổi mụn.

“Trong vải có chứa hàm lượng đường rất cao. Đây chủ yếu là các loại đường dễ tiêu như glucose, fructose. Chính những loại đường trên tạo ra hương vị thơm, ngọt của loại quả này. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đường lại khiến cơ thể dễ sinh nhiệt trong quá trình hấp thu, từ đó khiến rôm sảy, mụn mọc lên”, ông giải thích.

an mang trang cua qua vai tranh nhiet mieng anh 3

Về mặt khoa học, quả vải không trực tiếp gây nóng trong người như suy nghĩ của nhiều người. Ảnh minh họa: thematteroffood.

PGS Thịnh nhấn mạnh việc ăn vải hay các thực phẩm khác không gây nóng, lạnh như khái niệm nhiều người nghĩ. Điểm mấu chốt là chúng sinh nhiệt nhiều hay ít.

Chính bởi lượng đường lớn, việc ăn quá nhiều vải mới khiến tình trạng nổi mụn, rôm sảy xuất hiện. Tuy nhiên, cũng từ lý do này, vải không phải loại quả duy nhất gây ra những hiện tượng đó.

“Mọi loại quả có vị ngọt, nhiều đường đều có thể khiến cơ thể xảy ra hiện tượng nổi mụn do sinh nhiệt nhiều. Một số ví dụ có thể kể đến là đu đủ hay xoài”, ông nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Bộ Y tế, cho biết thêm quả vải có nhiều tác dụng như tăng cường sức khỏe tim mạch, ham muốn tình dục, chữa táo bón, chống cúm.

Tuy nhiên, loại quả này cũng có những tác hại ít người biết như có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người. Bên cạnh đó, quả vải cũng ảnh hưởng đến cân bằng hormone trong cơ thể. Từ đây, việc ăn quá nhiều có thể gây chảy máu trong, sốt hoặc các vấn đề khác.

Chuyên gia cho biết thêm do vải có khả năng nhiễm nấm độc candida tropicalis, khi ăn, tuyệt đối không sử dụng những quả dập nát, ủng thối. Trước khi ăn, người dân nên ngâm qua nước muối để tránh ngộ độc.

Có thể thay thế rau xanh bằng trái cây được không?

Trong một số trường hợp bận rộn hoặc do sở thích, nhiều người quyết định bỏ qua các món ăn từ rau xanh và “bù” bằng việc bổ sung trái cây sau bữa.

Giấm tỏi chuyển màu xanh có đáng ngại?

Theo chuyên gia, đây là sự chuyển hóa tự nhiên do thành phần có trong tỏi và không mang lại nguy hiểm cho người dùng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm