Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư nguy cơ ung thư khi ớt kết hợp với axit benzoic

Axit benzoic khi kết hợp với vitamin C sẽ tạo phản ứng sinh ra benzene - một chất gây ung thư.

Vừa qua, 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi tại thành phố Osaka (Nhật Bản) vì có chứa chất cấm axit benzoic. Một số thông tin cho rằng nguyên nhân Nhật Bản cấm dùng chất phụ gia thực phẩm này bởi nguy cơ ung thư khi chúng được kết hợp với vitamin C có rất nhiều trong ớt.

Cụ thể, axit benzoic và các chất cùng nhóm khi gặp vitamin C có trong thực phẩm và thức uống sẽ tạo phản ứng sinh ra benzene - chất gây ung thư (carcinogen). Đặc biệt, ớt (nguyên liệu làm tương ớt) có chứa lượng vitamin C cao.

ung thu khi ot ket hop voi axit benzoic anh 1
Hình ảnh loại tương ớt Chinsu bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi vì chứa chất cấm. Ảnh: OsakaCity.

Về điều này, trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Hồng Côn - Giảng viên khoa Hóa học, Đại học Tự nhiên Hà Nội, cho biết trước đây có một nghiên cứu độc lập, trong đó các nhà khoa học kết hợp axit benzoic với vitamin C cho chuột ăn hoặc kết hợp hai chất này với nhau trong phòng thí nghiệm với điều kiện phù hợp, thấy xuất hiện hiện tượng giải phóng ra benzene.

“Benzene là một vòng thơm đơn, trước kia là dung môi tuyệt vời để pha sơn, sau đó phát hiện gây ra ung thư, nên người ta cấm dùng”, PGS Côn cho hay.

Mức độ độc hại của benzene được xếp loại là chất gây ung thư nhóm A1 (đã được xác nhận là gây ung thư cho người), theo phân loại của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về ung thư (IARC).

Tuy nhiên, theo PGS Côn, phát hiện trên chỉ là từ một nghiên cứu độc lập, thực tế chưa có báo cáo lâm sàng về vấn đề này.

“Benzene rõ ràng là một chất gây ung thư. Nhưng việc kết hợp giữa axit benzoic với vitamin C tạo ra benzene chỉ dừng lại ở việc ghi nhận có báo cáo như vậy mà không cụ thể về việc kết hợp như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong điều kiện cụ thể như thế nào cũng như khả năng sinh ra chất benzene là bao nhiêu”, PGS Côn cho hay.

Trước thông tin axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng khẳng định: "Làm sao mà có thể biến thành benzene được nó phải có cơ chế, chuyển hóa chứ không thể đơn giản axit benzoic gặp vitamin C là tạo ra benzene ngay được".

Axit benzoic có sẵn trong rất nhiều hoa quả chúng ta ăn hàng ngày như phúc bồn tử, việt quất, táo chín,… Sau đó, người ta sử dụng chất này để bảo quản tương ớt, nước ngọt,… bởi chúng có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc mà không ảnh hưởng đến thực phẩm.

Chuyên gia cho rằng việc Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic có thể có nhiều lý do như không phù hợp hoặc nồng độ cao hơn mức khuyến cáo của Nhật Bản.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho hay axit benzoic là phụ gia được phép sử dụng ở Việt Nam trong một số thực phẩm nhất định. Axit benzoic nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex).

"Để các phụ gia thực phẩm có trong danh mục của Ủy ban Codex, phải thông qua ủy ban về thực phẩm, trải qua rất nhiều các bước đánh giá về độ an toàn, hướng dẫn sử dụng rất nghiêm ngặt, thông thường qua 8 bước, kéo dài 5-7 năm, thậm chí cả chục năm", bà Nga cho hay.

Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, hiện nay quy định mới nhất của Nhật Bản, axit benzoic cũng được cho phép là phụ gia thực phẩm trong một số nhóm như nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, bơ thực vật, trứng cá,… với hàm lượng khác nhau.

Bà Nga khẳng định với những chất phụ gia có trong danh mục của Ủy ban Codex được sử dụng với hàm lượng đúng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. "Nguyên tắc là phải dùng đúng hàm lượng, đúng đối tượng, tương ứng mỗi nhóm có những hàm lượng khác nhau. Nếu không đúng sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe", bà Nga cho hay.

Ngày 2/4, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu vừa bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg. Đây là chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài.

Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu ở Nhật Bản, cũng như nguồn gốc hàng hóa. Cục An toàn Thực phẩm chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chinsu nhưng chủ động kiểm tra.

​Axit benzoic trong tương ớt Chinsu có nguy hiểm với sức khỏe?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, chất bảo quản ít nhiều gây tác hại xấu tới sức khỏe, nhưng có ngưỡng chấp nhận được.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm