"Tai nghe bluetooth làm tăng khả năng ung thư" bắt nguồn từ một bài viết trên Medium với tiêu đề “Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn”. Trong đó, GS sinh hóa Jerry Phillips từ Đại học Colorado (Mỹ) cho rằng thiết bị này "khiến các mô trong đầu tiếp xúc với mức bức xạ vô tuyến cao".
Ngoài tiến sĩ Phillips, 250 nhà nghiên cứu từ hơn 40 quốc gia đã kiến nghị đến Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới bày tỏ lo ngại về độ an toàn của tai nghe không dây.
Tuy nhiên, theo Health, bản kiến nghị này chỉ đề cập tới các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ điện từ trường ion hóa (EMF) trong các thiết bị bluetooth. Đồng thời, nghiên cứu này lại không nhắc đến bất cứ sản phẩm tai nghe không dây nào.
Ken Foster, giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Pennsylvania, chuyên nghiên cứu sự an toàn của trường điện từ, cho biết ông không ủng hộ những thông tin vô căn cứ về tai nghe không dây.
Ông Foster khẳng định chính phủ liên bang đã thiết lập tiêu chuẩn an toàn về lượng bức xạ phát ra từ các thiết bị tiêu dùng và các thiết bị bluetooth ở dưới mức đó ngay cả khi đặt trực tiếp vào da. Hơn nữa, tai nghe không dây không nhận hay truyền sóng vô tuyến vào ống tai mà sóng ở bên ngoài và dưới tai.
Tiến sĩ Foster cho biết bức xạ từ các thiết bị bluetooth thấp hơn nhiều so với điện thoại di động. Ảnh: EMF Academy |
Chuyên gia này cũng lưu ý lượng bức xạ từ các thiết bị bluetooth thấp hơn nhiều so với điện thoại di động, chỉ khoảng một phần mười hoặc ít hơn.
"Nếu bạn sử dụng điện thoại di động hàng ngày, thì thật kỳ lạ khi lo lắng về mối nguy hiểm của những chiếc tai nghe này", TS Foster nói với Health.
Không thể khẳng định tai nghe không dây an toàn 100% bởi chẳng có điều gì là tuyệt đối, thế nhưng, về phương diện cá nhân, ông chẳng hề lo lắng.
Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia Mỹ khuyến cáo bạn để điện thoại cách xa cơ thể khi không sử dụng và xa giường ngủ đồng thời dùng tai nghe để nghe điện thoại. Các thiết bị không dây cũng nên bỏ ra khỏi đầu và tai khi không sử dụng.