Cuộc sống ngày càng phát triển, chúng ta ăn ngon hơn, đủ chất hơn. Nhưng bên cạnh đó, bệnh tật, đặc biệt ung thư cũng đang là nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất có liên quan gì đến ung thư? Vậy chúng ta phải ăn gì? Ăn như thế nào để không bị ung thư?
Nếu như năm 2000, cả nước mới có 3 bệnh viện, 14 khoa ung bướu thì đến 2015 đã có 6 bệnh viện và 50 trung tâm, khoa ung bướu nhưng chỉ đáp ứng được 70 % nhu cầu điều trị.
Theo thống kê dưới đây của Viện Nghiên cứu Phòng, chống Ung thư, ngoài các bệnh ung thư khác như xương, phổi thì ung thư đường tiêu hóa đang có xu hướng tăng và bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Giống như các loại ung thư khác, ung thư đường tiêu hóa là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như gen di truyền, tuổi tác, chế độ dinh dưỡng, lối sống. Nhưng nguyên nhân chủ yếu do thường xuyên ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại.
Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư do thường xuyên ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại. |
Hệ tiêu hóa gồm 1 ống tiêu hóa từ thực quản, dạ dày, ruột và các cơ quan tiêu hóa phụ như răng, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, tụy đóng vai trò tiêu hóa thức ăn.
Các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất gồm ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản. Loại ung thư này luôn chiếm tỷ lệ cao trong số các loại bệnh ung thư. Bên cạnh đó chúng cũng có tiên lợi xấu, tỷ lệ tử vong cao.
Trong chương trình Ngon và lành (VTC14), PGS.TS Phạm Duy Hiển, Nguyên Phó Giám đốc bệnh viện K Trung ương, cho biết: "Ở Việt Nam, xác suất mắc ung thư đường tiêu hóa cao, phổ biến nhất là ung thư dạ dày ở nam giới và ung thư trực tràng với phụ nữ".
Theo các nhà khoa học, ăn uống cũng có thể coi là một nguyên nhân lớn đối với bệnh ung thư. Nếu chúng ta có một chế độ cân đối, hợp lý sẽ có nhiều cơ hội ngăn ngừa ung thư. Ngược lại, chế độ ăn mất cân đối, chứa nhiều hóa chất độc hại sẽ là mầm mống gây bệnh. 30 % gây ung thư có liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
Ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm tồn dư hóa chất không bị ung thư ngay mà sẽ tích tụ trong cơ thể, đến một giai đoạn nhất định sẽ trở thành tác nhân gây ung thư. Vì vậy, chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này, mỗi người nên ăn 500 gam rau xanh và quả chín hàng ngày. Sử dụng nhiều rau xanh đã được khoa học chứng minh làm giảm 20 % nguy cơ mắc các căn bệnh ung thư. Vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất khác có trong rau tươi và quả chín sẽ đẩy lùi các tác nhân gây ung thư xâm hại cơ thể.
Đồng thời cũng nên ăn đa dạng các loại rau, quả để làm phong phú các loại vitamin, khoáng chất tự nhiên do chúng mang lại. Hạn chế ăn thịt màu đỏ, mỗi người không được ăn quá 80 gam thịt đỏ/ngày. Trong đó, bữa ăn hàng ngày, bạn nên dùng xen kẽ cá, tôm, mực thay thế các loại thịt, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, chả, giò. Ngoài ra, chất béo và muối trong bữa ăn hàng ngày cũng cần giảm bớt.
"Nên luộc chín thực phẩm ở nhiệt độ thấp hoặc kho, hầm, nấu cháo sẽ tốt hơn so với đồ nướng. Cùng một loại thực phẩm nhưng chúng ta giảm sử dụng gia vị như muối, mắm tôm, sẽ có lợi cho sức khỏe", PGS.TS Nguyễn Đại Bình, Phó Giám đốc, bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, cho hay.
PGS.TS Nguyễn Đại Bình cũng cho biết thêm, một số loại đồ uống không gây ung thư nhưng do cơ địa của người bệnh có thể gây tác động xấu. Ví dụ, người bị viêm gan B, sử dụng quá nhiều rượu, bia trong thời gian dài làm thúc đẩy quá trình xơ gan, viêm gan mạnh sẽ sớm sinh ra ung thư gan và gây tử vong.