Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuốc sinh học: Vũ khí mới chặn tàn phế

Do tính chất hủy hoại khớp là không hồi phục, việc chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực cũng quyết định hiệu quả của thuốc khá nhiều.

Do tính chất hủy hoại khớp là không hồi phục, việc chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực cũng quyết định hiệu quả của thuốc khá nhiều. Nếu được điều trị sớm với thuốc sinh học, khả năng đạt tình trạng lui bệnh và thời gian duy trì giai đoạn “im lặng” của bệnh là rất cao.

Do viêm khớp

Từ những năm cuối của thế kỷ 20, nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học phân tử, người ta khám phá cơ chế viêm mạn tính, sự rối loạn trong đáp ứng miễn dịch, sự hiện diện của các phân tử gây ra chuỗi phản ứng bệnh lý,...một nhóm thuốc khác được tìm ra đã làm thay đổi cục diện điều trị các bệnh viêm khớp mạn tính với quan điểm điều trị nhắm đích, khống chế đến tận mức các phân tử gây bệnh, đó là nhóm thuốc sinh học.

Thực trạng các bệnh lý viêm khớp hiện nay

Bệnh viêm khớp thường được gọi chung là thấp khớp, viêm đa khớp,... thật ra bao gồm rất nhiều bệnh, với cơ chế, nguyên nhân, diễn biến khác nhau. Nếu phân loại theo  cơ chế sinh bệnh, bệnh khớp được phân loại thành hai nhóm: nhóm bệnh có viêm và không viêm. Trong bệnh viêm khớp mạn tính, ngoài biểu hiện viêm tại khớp và các mô có liên quan như điểm bám gân, cơ, dây chằng, mạch máu,... , còn có sự liên quan giữa bệnh lý khớp với bệnh ở cơ quan khác như da, ruột, mắt, tình trạng chuyển hóa, dinh dưỡng, nhiễm trùng hầu họng, đại tràng, họng, tiết niệu, sinh dục,...

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề điều trị nhóm bệnh khớp viêm mạn tính (đại diện là viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp), đặc biệt là về nhóm thuốc mới, thuốc sinh học.

Trước đây, việc bào chế ra aspirin, corticosteroid và các loại kháng viêm không steroid được coi là bước tiến vĩ đại của y học trong việc đem lại chất lượng sống và khả năng tái hòa nhập cho người mắc bệnh khớp mạn tính. Nhưng trong thực tế, những loại thuốc đó chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ trong giai đoạn sớm, chỉ giảm thiểu được triệu chứng sưng đau mà không ngăn ngừa được tiến trình hủy hoại khớp. Những thuốc được coi là điều trị cơ bản, có khả năng thay đổi diễn biến hủy hoại khớp, gọi tắt là DMARD (Disease- Modifying AntiRheumatic drug)  lần lượt ra đời là các nhóm muối vàng, thuốc chống sốt rét, methotrexate, cyclophosphamide, leflunomide... Tuy nhiên, bệnh viêm khớp vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, cũng như những phản ứng không mong muốn của thuốc làm cản trở đáng kể việc sử dụng thuốc. Một nhóm thuốc khác được tìm ra để điều trị các bệnh viêm khớp mạn tính với quan điểm điều trị nhắm đích, khống chế đến tận mức các phân tử gây bệnh, đó là nhóm thuốc sinh học.

Thuốc sinh học là gì?

Thuốc sinh học là các phân tử có hoạt tính sinh học, được sản xuất thông qua phản ứng sinh học của cơ thể sinh vật sống. Có những sản phẩm sinh học được sử dụng như vũ khí sinh học trong chiến tranh, chúng có thể là vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng, vi nấm,... Tuy nhiên cũng rất nhiều sản phẩm được sản xuất để làm phương tiện điều trị những bệnh lý mạn tính như ung thư, bệnh miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm cột sống, vảy nến,... thường đó là các kháng thể đơn dòng, sẽ kết hợp với các thụ thể, các phân tử, các chất trung gian hiện diện nhiều trong quá trình bệnh, nhằm điều chỉnh hoặc ức chế các phản ứng gây bệnh mà không ảnh hưởng nhiều đến các phân tử bình thường. Tuy chỉ mới xuất hiện trong 20 năm gần đây, nhưng nhờ hiệu quả điều trị, nhóm thuốc sinh học được sản xuất và ứng dụng nhiều hơn tất cả các thuốc DMARD cổ điển gộp lại. Đã có hàng trăm nghiên cứu về hiệu quả của nhóm thuốc này được công bố, do đó số lượng các thuốc sinh học được các hội chống thấp khớp quốc tế uy tín như ACR Hoa Kỳ, EULAR châu Âu công nhận và đưa vào danh sách thuốc điều trị cơ bản chính thức ngày càng nhiều. Hiện nay, tại Việt Nam, hầu hết các thuốc sinh học chủ yếu đã có mặt và được đưa vào sử dụng như nhóm thuốc ức chế TNFα (infliximab, etanercept, adalimumab, golimumab), nhóm ức chế interleukin 6 (tocilizumab), ức chế tế bào B (rituximab).

Thuốc sinh học cho thấy khả năng khống chế quá trình viêm khớp kháng trị với điều trị kinh điển trước đây một cách đáng kể, từ đó làm giảm thiểu nguy cơ tàn phế cho bệnh viêm khớp mạn nếu được sử dụng thuốc kịp thời.

Đối tượng sử dụng thuốc sinh học

Một số bệnh mạn tính sau đây trong chuyên khoa thấp khớp học đã được chứng minh khả năng điều trị hữu hiệu với thuốc sinh học: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp đại tràng, viêm mắt miễn dịch, viêm mạch máu nhỏ, lupus ban đỏ, xơ cứng bì...

Tương tự như các DMARD cổ điển vẫn đang được dùng, các thuốc sinh học cũng có những chỉ định và chống chỉ định của nó, cần được cho và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Do cơ chế hoạt động chính của thuốc là điều hòa, ức chế các phân tử sinh bệnh, thuốc có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể chống lại nhiễm khuẩn, đặc biệt là làm bùng phát tình trạng lao hoặc viêm gan siêu vi tiềm ẩn. Vì thế, trước khi bắt đầu dùng thuốc, bác sĩ cần cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm tầm soát các tình trạng bệnh lý nhiễm khuẩn để điều trị trước và trong khi điều trị. Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc, việc theo dõi và điều trị các bệnh đi kèm cũng được thực hiện thường xuyên. Việc thực hiện chủng ngừa trong thời gian điều trị cũng cần được có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.

Do tính chất hủy hoại khớp là không hồi phục, việc chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực cũng quyết định hiệu quả của thuốc khá nhiều. Nếu được điều trị sớm với thuốc sinh học, khả năng đạt tình trạng lui bệnh và thời gian duy trì giai đoạn “im lặng” của bệnh là rất cao.

Hiện nay, bảo hiểm y tế tại Việt Nam đã bước đầu trợ giúp một phần cho bệnh nhân cần điều trị sinh học. Hội thấp khớp học Việt Nam cũng đã nỗ lực rất nhiều giúp cho bệnh nhân khớp có điều kiện tiếp cận với vũ khí mới đang hứa hẹn giữ được khả năng lao động cho bệnh nhân viêm khớp mạn tính bằng rất nhiều biện pháp như thông tin cho bệnh nhân, tập huấn cho các bác sĩ và nhân viên y tế, làm cầu nối để nhu cầu của người bệnh đến gần hơn với khả năng trợ giúp của y tế.

http://suckhoedoisong.vn/thuoc-sinh-hoc-vu-khi-moi-chan-tan-phe-n110452.html

Theo BSCKII Thái Thị Hồng Ánh/Sức Khoẻ và Đời Sống

Bạn có thể quan tâm