![]() |
Miu Miu mang về doanh thu lớn cho Prada. Ảnh: Miu Miu. |
Ngày 10/4, Prada thông báo mua lại Versace từ tập đoàn Capri Holdings với giá 1,25 tỷ EUR (tương đương 1,38 tỷ USD). Thông tin này nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông, công chúng.
Đây được xem là thương vụ thời trang cao cấp lớn nhất trong năm, cho thấy vị thế của ngành sản xuất hàng xa xỉ Italy bất chấp biến động kinh tế từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo The New York Times.
Prada chi 1,4 tỷ USD để sở hữu Versace
Thương vụ trị giá gần 1,4 tỷ USD đánh dấu bước đi quyết đoán của Prada trong việc mở rộng danh mục thương hiệu và tham vọng cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn quyền lực như LVMH hay Kering.
![]() |
Donatella Versace chia sẻ niềm vui khi Versace về tay Prada. Ảnh: @donatella_versace. |
Theo giới phân tích, thương vụ cho thấy niềm tin của Prada vào sức mạnh lâu dài của ngành sản xuất thời trang mang nhãn “Made in Italy” (tạm dịch: “Sản xuất tại Italy”).
Versace sẽ gia nhập hệ sinh thái Prada Group cùng với các thương hiệu như Prada, Miu Miu, nhãn hàng bánh ngọt Marchesi, đội đua thuyền Luna Rossa, các hãng giày Car Shoe và Church’s.
“Versace mang đến một chiều kích mới, khác biệt và là mảnh ghép hoàn hảo cho tập đoàn. Dù vậy, hành trình sắp tới sẽ không dễ dàng”, Andrea Guerra, CEO Prada Group, chia sẻ.
Prada dùng vốn vay hơn 1 tỷ EUR để tài trợ thương vụ. Thỏa thuận đã được hội đồng quản trị 2 bên phê duyệt và dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm, sau khi được cơ quan quản lý thông qua.
Cơ hội phục hồi cho Versace, nước cờ dài của Prada
Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Capri Holdings, tập đoàn đang sở hữu Versace, Michael Kors và Jimmy Choo, đối mặt nhiều khó khăn. Theo báo cáo tài chính gần nhất, doanh thu dự kiến của Versace trong năm 2025 chỉ còn 810 triệu USD, giảm mạnh so với mức 1 tỷ USD năm ngoái.
Trước đó, Capri từng kỳ vọng trở thành tập đoàn thời trang xa xỉ kiểu Mỹ, mong muốn là đối thủ của các “ông lớn” châu Âu. Song, nỗ lực này dường như đã kết thúc.
Về phía Prada, thương vụ được nhìn nhận như cơ hội viết lại lịch sử. Năm 1999, hãng từng nỗ lực mở rộng với Jil Sander và Helmut Lang. Tuy nhiên, tập đoàn phải lần lượt bán lại Helmut Lang vào năm 2005 và Jil Sander năm 2006, thất bại với kế hoạch mở rộng.
Tuy nhiên, với đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, doanh thu đạt 5,4 tỷ EUR, tăng 17%, nhờ sự bùng nổ của Miu Miu, Prada đang cho thấy vị thế hiếm có giữa thị trường hàng xa xỉ suy giảm.
![]() ![]() |
Versace và Prada mang tinh thần đối lập, song cùng chia sẻ giá trị di sản thương hiệu. Ảnh: Versace, Prada. |
2 thương hiệu mang cá tính đối lập, đại diện cho 2 thái cực thẩm mỹ. Trong khi Versace gợi cảm, lộng lẫy và táo bạo, Prada lại kín đáo, trí tuệ và phá cách. Tuy nhiên, cả 2 cùng chia sẻ giá trị về thủ công truyền thống, di sản gia đình và sức mạnh biểu tượng thương hiệu.
Donatella Versace, người điều hành Versace sau cái chết của anh trai Gianni năm 1997, đã rút khỏi vai trò Giám đốc sáng tạo vào tháng trước, nhưng vẫn giữ vị trí đại sứ thương hiệu. Bà cho biết “vui mừng” khi thương hiệu về tay một tập đoàn gia đình. Đáng chú ý, Dario Vitale, Giám đốc sáng tạo mới của Versace, từng là cánh tay phải của Miuccia Prada suốt 14 năm tại Miu Miu.
Hiện tại, Prada Group do ông Patrizio Bertelli, chồng bà Miuccia Prada, giữ chức Chủ tịch. Con trai họ, Lorenzo Bertelli, là Giám đốc Marketing và được xem là người kế nhiệm tương lai. Dưới sự lãnh đạo của thế hệ kế tiếp, thương vụ với Versace có thể là bước đệm cho một chương mới đầy tham vọng trong lịch sử Prada.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.