Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tiệc Covid-19' - những cuộc vui chết chóc

Bất chấp Covid-19, những bữa tiệc đông người hay thi xem ai nhiễm virus trước vẫn diễn ra tại Mỹ khiến số ca mắc tăng lên nhanh chóng.

Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo y tế và giãn cách xã hội, nhiều bữa tiệc với quy mô từ vài chục đến vài trăm người vẫn diễn ra.

Thậm chí, nhiều bạn trẻ không tin vào Covid-19 và thi xem ai lây nhiễm trước để giành tiền thưởng. Hiện tượng này trở thành vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu.

tiec Covid-19 anh 1

Bữa tiệc thi xem ai nhiễm virus SARS-CoV-2 của những sinh viên thành phố Tuscaloosa, Alabama, Mỹ. Ảnh: City News.

Từ cuộc vui đến ổ dịch siêu lây nhiễm

Cuối tháng 6, tờ People đưa tin về một gia đình ở Texas có 18 người mắc Covid-19 sau khi tham gia một bữa tiệc sinh nhật. Ông Ron Barbosa đến từ Carrollton, Texas, cho hay 25 người đã có mặt trong buổi tiệc sinh nhật lần thứ 30 của cô con dâu. Ông Ron không hề hay biết mình mắc Covid-19 mà chỉ nghĩ rằng triệu chứng ho xuất phát từ công việc ở công trường.

Chỉ vài giờ sau khi cuộc vui kết thúc, 18/25 người tham gia bữa tiệc phát hiện mình nhiễm virus SARS-CoV-2. Thậm chí, cha mẹ của ông Ron còn rơi vào tình trạng nguy kịch vì tuổi đã ngoài 80. Bà Kathy, chị gái của ông Ron, cũng đứng trước ranh giới sống chết vì mắc Covid-19 trong khi bị ung thư vú.

“Thật đau đớn. Mọi thứ diễn ra quá nhanh”, người đàn ông này không giấu nổi sự bàng hoàng trước những gì đã diễn ra.

Dù vậy, nhiều người không tin vào Covid-19 hay hiểu sai về nó. Họ chọn cách mở tiệc, mời nhiều người tham gia cùng với một bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 để thi xem ai lây nhiễm virus nhanh nhất và giành về tiền thưởng.

Đó chính là mục đích của bữa tiệc do các sinh viên ở thành phố Tuscaloosa, Alabama, hồi đầu tháng 7. Các sinh viên cố tình lây nhiễm virus cho nhau. Mỗi người tham gia sẽ đóng tiền vào một chiếc nồi đất. Ai mắc bệnh trước người đó sẽ nhận toàn bộ số tiền nói trên.

Hay một trường hợp khác vào cuối tháng 3, nhóm thanh niên ở Kentucky bất chấp các quy định về giãn cách xã hội, tổ chức tiệc tùng với tuyên bố sức khỏe của họ “bất khả chiến bại”.

Và gần đây nhất là trong ngày 4/7, hàng trăm người vẫn mở tiệc trên hồ Torch Lake Sandbar, Michigan, để ăn mừng Quốc khánh Mỹ.

Chủ quan và coi thường lệnh giãn cách xã hội, bữa tiệc tại Kentucky và Michigan biến thành ổ dịch siêu lây nhiễm. Các quan chức địa phương vất vả tìm cách khoanh vùng dịch và tìm kiếm người tham gia. Nhưng điều đó gần như là không thể bởi các bệnh nhân Covid-19 không nhớ mình đã tiếp xúc với ai. Tất nhiên, họ không đeo khẩu trang hay thực hiện các khuyến cáo y tế nào.

Hôm 12/7, một người đàn ông 30 tuổi trú tại San Antonio, Texas, tử vong sau khi tham gia tiệc Covid-19. Trước khi qua đời, người này bày tỏ sự hối hận vì đã coi thường dịch bệnh. Anh cho rằng SARS-CoV-2 chỉ là một “trò bịp bợm” và phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Cái chết của người đàn ông đến từ Texas trở thành quả bom dấy lên nhiều tranh cãi trên toàn cầu vì thái độ coi thường dịch bệnh và chủ quan của nhiều người.

tiec Covid-19 anh 2

Hàng trăm người mở tiệc tại Torch Lake Sandbar, Michigan để ăn mừng Quốc khánh Mỹ, bất chấp lệnh giãn cách xã hội. Ảnh: CNN.

Những "kẻ săn bọ"

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo mạnh mẽ người dân không tổ chức hoặc tham gia những sự kiện như tiệc Covid-19 và phải tuân thủ các biện pháp y tế. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, hàng trăm bữa tiệc vẫn diễn ra và mang đến những hệ lụy không thể lường trước.

Lý giải về hiện tượng những bữa tiệc Covid-19, nhà nghiên cứu dân gian đô thị Benjamin Radford nói: “Đây là một biến thể của những truyền thuyết đô thị về bệnh tật cũ. Chẳng hạn như câu chuyện về ‘kẻ săn bọ’ - nhóm người bình thường cố gắng mắc bệnh AIDS. Những hiện tượng như vậy xuất phát từ sự hoảng loạn giá trị đạo đức, công chúng tin vào những điều phi lý dù thiếu đi bằng chứng xác thực”.

Ý tưởng lây nhiễm virus cho nhau không phải mới. New York Times từng đưa tin về trường hợp một thanh niên đồng tính ở Cuba trong những năm 1980 cố tình lây nhiễm HIV cho những bạn tình khác trong trại cách ly. “Nó như là một canh bạc cho giới trẻ Mỹ”, tiến sĩ Jorge Pérez Ávila, một chuyên gia về AIDS tại Cuba, nhận định.

Tuy nhiên, dù có xuất phát từ lý do gì, hành động và mục đích của những bữa tiệc Covid-19 vẫn đi ngược lại với nỗ lực chống dịch, dập dịch của toàn thế giới. Tiến sĩ Mandy K. Cohen, Thư ký Sở Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Bắc Carolina, từng phải lên tiếng cầu khẩn người dân: "Chúng ta không có cái gì gọi là khả năng miễn dịch cộng đồng. Một bữa tiệc sẽ không thể giúp chúng ta khỏi bệnh hay đánh bại dịch. Xin đừng làm điều đó".

Tác giả EJ Dickson trên tạp chí Rolling Stones thẳng thắn cho rằng hành vi của những người cố tình lây nhiễm cho người khác hay bỏ qua những cảnh báo y tế là “niềm vui ích kỷ cho chính sự hy sinh của bản thân” và "không thể chấp nhận được".

Rất nhiều người đang phải hứng chịu hậu quả mà nhóm tiệc Covid-19 gây ra: số ca mắc tăng lên chóng mặt, nhiều nơi “vỡ trận”, quá tải bệnh viện. Rất nhiều người có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém không tham gia tiệc tùng nhưng vẫn bị lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Thậm chí, ngay cả khi được chữa khỏi, cũng không có gì chắc chắn bạn sẽ không tái mắc Covid-19 trong tương lai.

Với tình hình này, ngày nào vẫn tồn tại những "bữa tiệc Covid-19", ngày đó thế giới còn phải chống chọi với đại dịch.

Phát hiện bệnh nhân Covid-19 trong bữa tiệc hàng trăm người tại Mỹ

Những người dương tính với Covid-19 không thể xác định được họ đã tiếp xúc với ai trong bữa tiệc mừng Quốc khánh Mỹ có quy mô hàng trăm khách diễn ra tại Michigan.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm