Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tiệm bánh pía Triều Châu hơn 70 tuổi ở TP.HCM

Hơn nửa thế kỷ qua, một tiệm bánh ở quận 6 (TP.HCM) vẫn giữ gìn nghề làm bánh pía truyền thống. Người Triều Châu (Trung Quốc) thường dùng món bánh này vào dịp Trung Thu, cưới hỏi.

banh Trung thu anh 1

"Bánh vừa ra lò được đóng gói và bán luôn cho khách. Hộp bánh nóng hổi thơm mùi béo ngậy của mỡ heo, mùi mè nướng bùi bùi. Vỏ bánh nhiều lớp, mềm, phần nhân dẻo có độ ngọt vừa phải", tôi hào hứng lắng nghe người bạn giới thiệu về món ăn Trung Hoa độc đáo .

Loại bánh được nhắc tới là bánh pía Triều Châu (Trung Quốc), có từ lâu đời. Đến nay, một số gia đình người Tiều ở khu Chợ Lớn vẫn giữ gìn cách làm món bánh truyền thống này. Trong con hẻm nhỏ trên đường Bình Tây (quận 6, TP.HCM), một gia đình gốc Triều Châu hơn 70 năm qua gắn bó với nghề làm bánh pía xưa cũ.

Bánh Trung Thu của người Tiều

Tiệm bánh là một ngôi nhà cấp 4 nhỏ, không biển hiệu quảng cáo bắt mắt, nhưng tấp nập khách vào ra. Một số người đến đây để tìm kiếm hương vị bánh Trung Thu mới lạ. Có người là khách quen, dịp Trung Thu năm nào cũng ghé tiệm mua bánh pía.

Vừa đặt chân đến cửa tiệm, tôi đã cảm nhận được mùi bánh nướng phảng phất. Mọi thông tin về tiệm bánh được in lên những tờ giấy A4, dán đầy mặt tường phía ngoài và một biển hiệu nhỏ bằng gỗ treo ngay cửa ra vào ghi chữ tiếng Trung: "Tiệm bánh Triệu Minh Hiệp".

"Ở đây có bán bánh pía" - dòng chữ giới thiệu về món bánh tiệm bán khiến tôi liên tưởng đến loại bánh pía đặc sản Sóc Trăng.

Chủ tiệm bánh giải thích, món ăn đặc sản Triều Châu cũng được gọi là bánh pía, nhưng khác loại bánh ở Sóc Trăng. Bánh pía người Tiều có kích cỡ to hơn, vỏ mỏng và mềm hơn, nhân dẻo và được dùng khi còn nóng hổi.

"Bánh pía luôn xuất hiện trong trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, là hương vị quen thuộc vào dịp Trung Thu của người Tiều. Sắp tới rằm tháng 8 Âm lịch, khách đến tiệm mua bánh đông. Gần đây, loại bánh này dần phổ biến hơn, nhiều người đến mua vì tò mò. Có những khách quen ở tận Singapore hay Mỹ năm nào cũng đặt bánh số lượng lớn vào dịp Trung Thu", anh Triệu Học - người tiếp quản tiệm bánh đời thứ 4 chia sẻ.

Một trong những điều làm nét riêng của món bánh Trung Thu này là hương vị nhà làm. Tiệm bánh lâu đời vừa là nơi bán bánh vừa là xưởng sản xuất bánh nóng hổi trong ngày.

Chủ tiệm cho bánh sản xuất đến đâu được bán hết đến đó, đảm bảo độ tươi ngon. Bánh đến tay khách đều vừa ra lò, còn nóng hổi. "Tôi luôn dặn khách nên dùng bánh khi còn nóng, sẽ mềm và chuẩn vị. Bánh tươi không dùng chất bảo quản chỉ được dùng trong 10 ngày".

banh Trung thu anh 4

Bánh nướng xong còn nóng hổi được đóng gói và đem bán cho khách.

Món bánh truyền thống có nguyên liệu đơn giản với phần vỏ làm từ bột mì, 2 loại nhân gồm đậu xanh và khoai môn, kèm theo trứng muối. Bánh sau khi nặn hình hoàn chỉnh sẽ được quét một lớp mỡ heo. Riêng loại bánh chay sẽ dùng dầu ăn. Mặt bánh được rắc thêm mè trắng, mè đen. Mỗi mẻ 12 bánh được sản xuất khoảng hơn 1 giờ.

Tôi chọn mua một hộp bánh 4 chiếc giá 209.000 đồng. Vỏ hộp là lớp bìa cứng màu đỏ, in hoa văn xưa cũ, khác biệt với những sản phẩm bánh Trung Thu phổ biến hiện giờ.

Theo lời hướng dẫn của người bán hàng, tôi dùng bánh từ khi còn nóng. Bánh có hương thơm đặc trưng từ mỡ heo béo ngậy. Cắn một miếng bánh nhỏ, lớp vỏ tan ngay trong miệng, phần nhân dẻo, nóng hổi, có vị ngọt không hề gắt. Phần trứng muối mềm, không khô cứng như các loại bánh Trung Thu thường thấy. Trứng mằm mặn dung hòa hương vị chiếc bánh.

Từ hương vị nhà làm, cách gói gém bánh thủ công nhưng tỉ mỉ, tôi cảm nhận được sự chỉn chu, trân trọng món bánh, nghề làm bánh lưu truyền 3 đời của gia đình người Tiều.

Tiệm bánh 70 tuổi

"Ông cố tôi rời Triều Châu đến lập nghiệp ở khu Chợ Lớn từ những năm 30 thế kỷ trước. Tới năm 1948, ông mở cửa hàng chuyên bán bánh pía, kẹo đậu phộng, mè xửng Triều Châu. Tiệm bánh được gầy dựng và giữ gìn nguyên vẹn qua 3 thế hệ. Chủ tiệm hiện giờ là ba tôi, tên ba cũng được lấy làm tên tiệm bánh", con trai chủ tiệm bánh Triệu Minh Hiệp nói.

Những ngày đầu mở cửa, tiệm làm các loại bánh phục vụ lễ Tết, cưới hỏi của người Tiều sống ở quận 5, 6. Ngày nay, đối tượng phục vụ mở rộng hơn nhưng hương vị truyền thống của các loại bánh, kẹo vẫn được gia đình họ Triệu gìn giữ nguyên vẹn.

Nói về nghề làm bánh pía lâu đời của gia đình, anh Triệu Học chia sẻ với niềm tự hào: "Hiện, không còn nhiều gia đình người Tiều tại TP.HCM giữ được cái nghề làm bánh này. Năm 2019, có một nhà báo ở Singapore đến nhà chúng tôi để tìm hiểu về món bánh pía nhân khoai môn. Vị đó cũng bất ngờ vì gia đình tôi giữ được cách làm bánh pía xưa cũ, đúng hương vị của người Tiều.

Nhà báo đó nói bên Singapore cũng có cộng đồng người Tiều sinh sống nhưng truyền thống làm bánh pía đã bị mai một". Để đảm bảo hương vị gia truyền, gia đình ông Triệu Minh Hiệp thay nhau mỗi người một nhiệm vụ ở tiệm bánh. Từ việc sản xuất đến đóng gói, bán hàng đều do người trong nhà phụ trách.

Theo anh Triệu Học, để giữ được vị ngon truyền thống, mọi khâu làm bánh đều phải chỉn chu từ lúc chọn nguyên liệu đến khi đóng hộp đem ra quầy bán. Một trong những yếu tố níu chân thực khách đến tiệm Minh Hiệp bao năm qua là bánh, kẹo tại đây không quá ngọt.

Chị M. (quận 5) chia sẻ: "Bánh pía ở đây ăn không bị ngấy, kẹo đậu phộng và mè xửng không quá ngọt. Kẹo đậu phộng giòn tan, không bọc đường cứng ngắc, mè xửng không bị dai. Mình là khách quen tại đây cũng ngót nghét 10 năm rồi. ".

Một vị khách khác cũng dành nhiều lời khen cho tiệm: "Bánh kẹo ở đây được nhiều bà con người Hoa khu Chợ Lớn chọn mua trong các dịp quan trọng và mua làm quà tặng người thân ở xa. Hương vị truyền thống bao năm không thay đổi".

Nếu đã quen với những chiếc bánh nướng thập cẩm hay bánh dẻo hạt sen, bạn có thể thử thưởng thức bánh pía nóng hổi gắn bó với người Tiều vào mỗi dịp Trung Thu.

Tiệm mì 60 năm tuổi mở cửa xuyên đêm ở TP.HCM

Hơn nửa thế kỷ qua, tiệm mì Nguyên Lợi là địa chỉ quen thuộc với những thực khách hay ăn đêm bởi quán mở cửa 24 giờ mỗi ngày.

Bích Phương

Bạn có thể quan tâm