Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án hấp thụ hoặc ngăn ngừa phát thải CO2, như xây trạm điện năng lượng tái tạo, trồng rừng, chuyển đổi cách thức sản xuất... Ảnh: Việt Anh/Vietnam+. |
“Khi doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lúc này, họ sẽ không còn hỏi chi phí lao động là bao nhiêu”, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch VietCycle, một công ty trong lĩnh vực tái chế ở Việt Nam - nói trong hội thảo Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu do VTV tổ chức sáng 27/6.
“Họ sẽ hỏi chúng tôi lấy năng lượng sạch từ đâu? Chúng tôi trao đổi carbon ở đâu?”, ông Vượng nói. Từ đó, ông kêu gọi Chính phủ sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Có lợi cho xuất khẩu
Tín chỉ carbon là giấy phép mà doanh nghiệp có thể mua để bù đắp lượng CO2 mình phát thải ra trong quá trình sản xuất. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp hoàn thành các yêu cầu và cam kết về trung hòa carbon.
Việc xây dựng thị trường carbon trong nước rất quan trọng vì có thể giúp hàng sản xuất tại Việt Nam nhận được ưu đãi thuế khi xuất khẩu ra khu vực khác.
Chẳng hạn, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu, có hiệu lực vào tháng 10 tới, sẽ đánh thuế carbon đối với hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải CO2 tại nước sở tại. Tuy nhiên, nếu nước sở tại có hệ thống định giá carbon đáp ứng yêu cầu của EU, hàng hóa từ đây sẽ không bị áp thuế CBAM.
CBAM là một phần trong Thỏa thuận xanh châu Âu - bộ chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy châu Âu trở thành "lục địa đầu tiên trung hòa khí carbon" vào năm 2050. Ảnh: General Journal of Europe. |
Các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam cũng có thể theo chân EU và đưa ra chính sách thuế carbon tương tự, như Mỹ với dự luật Cạnh tranh Sạch.
Cho tới nay, nhà chức trách Việt Nam đã có một số văn bản đề cập tới lộ trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Việt Nam dự kiến thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028.
Ông Vượng mong muốn nhà chức trách có thể đẩy nhanh lộ trình này hơn nữa, đồng thời xem xét xây dựng chính sách thuế carbon cho riêng Việt Nam.
“Các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, nếu phát thải cao, chúng ta cũng nên đánh thuế carbon”, ông Vượng chia sẻ với Tri thức Trực tuyến bên lề hội thảo sáng 27/6. “Sản phẩm của chúng ta xuất sang châu Âu bị đánh thuế, tại sao chúng ta lại để hàng hóa dễ dàng đi vào Việt Nam?”.
Theo ông, thuế thu được từ nguồn này có thể được dùng để hỗ trợ cho quá trình thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu do VTV tổ chức sáng 27/6. Ảnh: Quốc Đạt. |
Tiềm năng phát triển khổng lồ
Thông thường, một tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án hấp thụ hoặc ngăn ngừa phát thải CO2, như xây trạm điện năng lượng tái tạo, trồng rừng, chuyển đổi cách thức sản xuất...
Sau khi tổ chức độc lập thẩm định, nhà chức trách có thể phát hành tín chỉ carbon có giá trị tương ứng lượng CO2 đã loại bỏ. Số tín chỉ này có thể được đem ra mua bán, trao đổi trên sàn giao dịch.
Như vậy, việc xây dựng sàn giao dịch carbon có thể đem lại nguồn thu mới cho Việt Nam.
Theo số liệu năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Nếu tính giá 5 USD/tín chỉ, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD/năm.
Những năm gần đây, thị trường giao dịch carbon đã tăng trưởng mạnh. Năm 2022, giá trị thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu đạt kỷ lục 909 tỷ USD, tăng 14% so với một năm trước, theo số liệu từ các nhà phân tích của Refinitiv.
Nhu cầu ấy dự kiến tiếp tục tăng cao, trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đa quốc gia và chính phủ các nước đều đặt ra kế hoạch net zero cho riêng mình.
Đến nay, có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên cầu, gồm cácnước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero - phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
Nhiều tập đoàn lớn như Carlsberg, Decathlon, Heineken, H&M, Logitech… cũng cam kết dùng 100% năng lượng tái tạo trên quy mô toàn cầu vào mốc năm 2025 hoặc 2030. Khả năng tiếp cận năng lượng sạch cũng sẽ là một yếu tố được cân nhắc khi các công ty này quyết định đầu tư.
“Chúng tôi thấy được tiềm năng phát triển khổng lồ ở các thị trường carbon tự nguyện quốc tế”, ông Marc S. Forni, chuyên gia phụ trách quản lý rủi ro thảm họa từ Ngân hàng Thế giới, nói tại hội thảo sáng 27/6.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Kinh tế Quốc tế giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.