Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tiềm năng lớn của Việt Nam khi biến rác thải thành nhiên liệu

Các chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng trong quá trình đồng xử lý rác thải nhựa tại các lò nung xi măng hiện nay, song cũng đứng trước không ít thách thức.

dong xu ly chat thai anh 1

Đồng xử lý chất thải đã áp dụng rộng rãi ở châu Âu và được coi là phương pháp giải quyết nhiều vấn đề về môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phương pháp này chỉ được một số ít nhà máy áp dụng.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Lương Đức Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - chỉ ra ba rào cản lớn nhất đối với các nhà máy xi măng tại Việt Nam trong việc áp dụng phương pháp này. Đầu tiên phải kể tới nỗ lực về phía các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nỗ lực áp dụng phương pháp đồng xử lý vào các nhà máy. Bên cạnh đó, họ phải bỏ ra số vốn lớn để đầu tư máy móc, thiết bị, cũng như gặp khó khăn trong quá trình áp dụng công nghệ mới. Cuối cùng, để sử dụng phương pháp này trong nhà máy, các doanh nghiệp cần phải xin cấp phép”, ông nhận định bên lề Hội thảo Đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô trong ngành xi măng tại Việt Nam.

Theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP, đồng xử lý chất thải là việc kết hợp quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.

Hội thảo này được tổ chức sáng 29/9, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Na Uy (SINTEF) phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng, cũng như các kết quả cuộc trình diễn gần đây sử dụng chất thải nhựa không thể tái chế tại nhà máy INSEE ở Hòn Chông, Kiên Giang, từ đó thảo luận về tiềm năng đồng xử lý trong tương lai của ngành xi măng Việt Nam.

Tiềm năng lớn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó đại sứ Na Uy Mette Møglestue cho biết Na Uy và Việt Nam, cũng như các thành viên tham gia Thỏa thuận Paris, đều cam kết mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu và thực hiện các Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Bà Møglestue nhận định để đạt được mục tiêu này cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực.

“Chính phủ Na Uy đánh giá cao vai trò quan trọng của các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các ngành công nghiệp trong quá trình này. Tôi rất vui khi biết rằng kết quả nghiên cứu của SINTEF trong việc sử dụng chất thải nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu thay thế cho lò nung xi măng đã được chứng minh là thành công và có thể được nhân rộng ở Việt Nam”, vị phó đại sứ cho hay.

Bà Møglestue mong rằng thông qua Dự án OPTOCE do chính phủ Na Uy tài trợ và đang được thực hiện tại 5 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, “chúng tôi hy vọng Na Uy có thể giúp ngành xi măng Việt Nam nâng cao năng lực xử lý chất thải nhựa không thể tái chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam”.

Biến rác thải nhựa trên đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn (OPTOCE) là dự án khu vực do chính phủ Na Uy tài trợ và thực hiện ở 5 quốc gia, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

dong xu ly chat thai anh 2

Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam Mette Møglestue phát biểu tại hội thảo sáng 29/9. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.

Dự án này nhằm giảm bớt lượng chất thải nhựa ra đại dương bằng cách huy động các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại địa phương tham gia quản lý chất thải và thu hồi năng lượng. Điều này nâng cao năng lực xử lý chất thải ở các nước châu Á và hình thành phương án hiệu quả, bền vững về chi phí trong quản lý tổng hợp chất thải.

Phát biểu tại hội thảo, nhắc tới bất cập của việc không tái chế chất thải nhựa, tiến sĩ Kåre Helge Karstensen - chuyên gia cao cấp và quản lý chương trình của SINTEF - cho rằng cần cải thiện và quản lý rác thải nhựa, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, quản lý chặt chẽ hơn việc đổ rác thải ra các bãi chôn lấp.

Do đó, ông đề cập tới vai trò ngành xi măng trong đồng xử lý khi ngành này có thể tăng cường năng lực xử lý rác thải nhựa không thể tái chế. Nhìn từ kinh nghiệm của Na Uy, vị tiến sĩ cho hay sau hơn 30 năm, nước này quyết định không xây dựng lò đốt nhiệt năng lớn, mà thay vào đó là sử dụng các lò xi măng để giải quyết vấn đề về rác.

“Hiện tại, ngành xi măng của Na Uy đã có thể thay thế hơn 75% than bằng các chất thải này. Nhờ đó, chúng ta có thể giảm thiểu quy mô của các lò đốt rác. Trong ngành xi măng, chúng tôi đã tiết kiệm được nhiên liệu than, và qua đó giảm khí CO2 thải ra, giảm giá thành so với khi xây dựng các trang thiết bị mới”, ông Karstensen cho hay.

Không chỉ vậy, ông nhận thấy công nghệ đồng xử lý xi măng có công suất xử lý chất thải rất lớn, hiệu quả thu hồi năng lượng cao so với các lò đốt rác khác.

“Đây là giải pháp xử lý hoàn chỉnh và sau cùng, không cần thải bỏ bã hay chất thải nữa vì tro sẽ được tái chế. Phương pháp này cũng giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm tiêu thụ than và nguyên liệu thô, giảm CO2 so với lò đốt rác và bãi chôn lấp”, vị chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, ông cho rằng phương pháp này tiết kiệm chi phí khi không cần xây dựng cơ sở mới. Do đó, chính phủ cần tập trung xây dựng các khung pháp lý để đảm bảo quy định đưa vào áp dụng.

Nhà khoa học từ SINTEF nhận thấy tiềm năng lớn của châu Á trong đồng xử lý. Ông chỉ ra 5 quốc gia được Na Uy tài trợ đại diện cho khu vực đặc biệt quan trọng, có khoảng 3 tỷ dân, là nơi tiêu thụ và sản xuất nhựa hàng đầu thế giới, trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực để xử lý hiệu quả. Ngoài ra, đây cũng là khu vực công nghiệp hóa hàng đầu thế giới.

Vì thế, 5 quốc gia này “cần cải thiện năng lực để loại bỏ rác thải nhựa và giảm tích tụ thêm rác thải nhựa. (Đồng xử lý trong ngành xi măng) có thể thay thế than đá bằng rác thải nhựa không thể tái chế, tạo thành tình huống đôi bên cùng có lợi”, ông Karstensen kết luận.

Rào cản không nhỏ

Dù có nhiều tiềm năng phát triển phương pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn gặp nhiều thách thức, chẳng hạn về nguồn vốn đầu tư cho đồng xử lý. Rất ít hoặc chưa có đơn vị chuyên thực hiện việc thu gom chất thải và cung cấp đến nhà máy xi măng.

Bên cạnh đó, họ cũng gặp một số bất cập về thủ tục pháp lý hoặc thiếu các chính sách khuyến khích áp dụng phương pháp này, cũng như các doanh nghiệp có liên quan, theo thông cáo của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.

dong xu ly chat thai anh 3

Quang cảnh sự kiện sáng 29/9. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.

Liên quan đến thực trạng hiện nay, ông Long nhận định “tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trong toàn ngành rất thấp". Theo chia sẻ của ông, Việt Nam có 82 lò nung clanke đang hoạt động, mỗi năm tiêu thụ trên 10 triệu tấn than antraxit. Tuy nhiên, vị tiến sĩ cũng tin tưởng vào triển vọng của phương pháp này, đặc biệt giữa lúc giá than và khí đốt tăng cao.

“Chính phủ Việt Nam có chủ trương tăng lượng sử dụng nhiên liệu thay thế lên mức 15% từ nay đến năm 2030 và 20% sau năm 2030. Như vậy, tiềm năng đồng xử lý chất thải, trong đó có nhựa không tái chế được, ở các lò nung xi măng tại Việt Nam là rất lớn”, ông Long nói.

Về vấn đề này, tiến sĩ Kare Helge Karstensen bổ sung rằng việc thực hiện đồng xử lý an toàn trong ngành xi măng cần có thời gian và sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện của các địa phương, quốc gia.

“Trước hết cần có phải có đủ khung pháp lý và các quy định, công ty xi măng và nhà điều hành đồng xử lý phải có đủ năng lực, kiến thức, thiết bị và giấy phép liên quan. Bên cạnh đó, phải có sự đồng hành ủng hộ của chính quyền địa phương và trung ương và phải có một sân chơi bình đẳng cho tất cả bên tham gia trong thị trường quản lý chất thải”, ông nói.

Doanh nghiệp Mỹ háo hức đầu tư vào năng lượng sạch ở Việt Nam

Sau khi thăm sông Sài Gòn và bờ biển Bến Tre, ông John Kerry nhận ra nguy cơ nước biển dâng đe dọa đến người dân ở đây. Ông khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu.

Quan chức Đan Mạch tiết lộ bí quyết với Việt Nam

Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong sản xuất hữu cơ - lĩnh vực mà EU cũng phải học hỏi nước này - với tiêu chí sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn.

Phương Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm