Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiêm thuốc vào bụng để giảm cân theo hướng dẫn trên TikTok

Giảm cân theo các clip lan truyền trên nền tảng video ngắn thay vì tư vấn của bác sĩ, nhiều người trẻ có nguy cơ gặp các rủi ro về sức khỏe.

Nhiều cô gái chia sẻ clip giảm cân nhờ thuốc trị tiểu đường. Ảnh: TikTok.

Trên TikTok, Ozempic đang trở thành cái tên hot với hơn 350 triệu lượt gắn thẻ trong các bài đăng. Các cô gái mỉm cười trước màn hình, tự tiêm vào bụng mình loại thuốc này và chia sẻ mong muốn sẽ giảm được bao nhiêu kg trong tuần tới.

Thời gian gần đây, loại thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường này đang được nhiều người dùng với mục đích giảm cân. Chúng cũng có thể dễ dàng mua được mà không cần kê đơn của bác sĩ. Cơn sốt Ozempic trên mạng xã hội lớn đến mức khiến nhiều nơi trên thế giới bị thiếu hụt loại thuốc này, theo Independent.

Ozempic, còn được gọi là Semaglutide, giúp tạo cảm giác no cho cơ thể. Với liều dùng hàng tuần, loại thuốc này có thể hỗ trợ giảm 6-15% trọng lượng cơ thể sau một năm. Trong nhiều video, người dùng cũng chia sẻ cảm giác thèm ăn của mình giảm đi như thế nào.

Tuy nhiên, theo cuộc điều tra của tờ The Pharmaceutical Journal, TikTok đang lan truyền nhiều thông tin sai lệch về y tế đến người trẻ.

Cẩn trọng

Cụ thể, theo bác sĩ đa khoa Simon Gordon, Ozempic hoạt động khá hiệu quả đối với những bệnh nhân béo phì. Ông từng chứng kiến nhiều bệnh nhân giảm khá nhiều cân và có thể ngừng dùng thuốc điều trị huyết áp sau khi sử dụng nó.

Tuy nhiên, không nên tuyên bố Ozempic là “thần dược” giảm cân bởi giống nhiều loại thuốc khác, nó cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Với 3,5 tỷ người trưởng thành béo phì trên toàn cầu - tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975 - song chỉ có một loại được chỉ định là thuốc giảm cân ở Anh giai đoạn 2010-2021 cho thấy sự cẩn trọng của các cơ quan y tế.

Tuy nhiên, tính hợp pháp của thuốc giảm cân không phải lúc nào cũng là rào cản đối với những người đang khao khát có thân hình thon thả. Kể từ năm 2013, Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) đã thu giữ số thuốc ăn kiêng bất hợp pháp có giá trị hơn 4 triệu bảng Anh, bao gồm Dinitrophenol (DNP). Loại thuốc này từng được dùng điều trị bệnh béo phì vào năm 1933 nhưng sau đó được xếp vào nhóm “hóa chất độc hại”.

giam can theo TikTok anh 1

Nhiều loại thuốc giảm cân bất hợp pháp bán tràn lan trên mạng có thể gây rủi ro sức khỏe. Ảnh: Pexels.

Vì có thể dễ dàng mua trên mạng, Dinitrophenol từng liên quan đến cái chết của nhiều người dại dột, trong đó có Liam Willis (24 tuổi) hay sinh viên Eloise Parry (21 tuổi).

Theo một nghiên cứu năm 2019 tại Scotland, dù biết bản thân thậm chí có thể chết, 5% người được hỏi vẫn sẽ sử dụng DNP để giảm béo. Một cuộc khảo sát khác trên người giảm cân năm 2017 cho thấy hơn 40% sử dụng thuốc giảm cân dù biết có những rủi ro sức khỏe kèm theo.

60% cho biết lý do là “quá tuyệt vọng trong việc giảm cân". Trong khi đó, tỷ lệ người bị chảy máu, gặp các vấn đề về tim, mắt do dùng thuốc giảm béo cũng tương đương con số này.

Giảm cân theo trào lưu

Cho đến nay, Ozempic chưa cho thấy rủi ro nào quá nghiêm trọng và thậm chí được một số bác sĩ kê cho bệnh nhân béo phì sử dụng. Tiến sĩ Alex Miras, chuyên gia tư vấn nội tiết và giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Ulster, cũng ủng hộ việc sử dụng loại thuốc này cho những người đang đối mặt các vấn đề sức khỏe do thừa cân. Ông cũng không ngạc nhiên khi Ozempic phổ biến ở cả Hollywood và các mạng xã hội.

Tuy nhiên, một khi có sản phẩm hỗ trợ giảm cân trở nên nổi tiếng, ngay cả những người chưa thực sự cần đến nó như các bệnh nhân cũng sẽ lao vào sử dụng mà không có sự tư vấn của chuyên gia y tế. Điều này có thể làm gia tăng đáng kể các rủi ro tiềm ẩn.

Các loại thuốc thường được thiết kế để sử dụng kèm kế hoạch ăn uống lành mạnh kết hợp tập thể dục. Nhưng khi một người chỉ uống thuốc, và sau đó ngừng, rất có thể sẽ gặp phải các vấn đề không lường trước.

giam can theo TikTok anh 2

Một chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thể thao kết hợp dùng thuốc dưới sự tư vấn của bác sĩ mới là phương pháp giảm cân an toàn. Ảnh: Pexels.

Phụ thuộc vào thuốc để làm giảm cảm giác thèm ăn cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng béo phì toàn cầu. Một bài báo xuất bản trên tờ Diabetes, Obesity and Metabolism cho biết những người sử dụng Semaglutide liều 2,4 mg tăng lại 2/3 số cân đã giảm được sau năm đầu tiên ngừng thuốc, người giảm càng nhiều tăng lại càng nhiều.

Trong video gắn hashtag Ozempic gần đây trên TikTok, một cô gái cho biết đã bắt đầu tiêm thuốc này từ 5 tuần trước, mỗi tuần 1 lần, sau khi được bác sĩ riêng thông báo cô tăng cân mà không rõ lý do. Cô cũng không đặt mốc cân nặng cụ thể nào làm mục tiêu.

“Thật ra tôi chỉ muốn nhanh giảm cân nhanh mà thôi”, cô gái cho biết. Và với hàng triệu lượt gắn hashtag tương tự trên nền tảng video ngắn, cô gái này cũng không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy.

Nhiều người mù quáng tin TikTok

Dù chứa nhiều video mang nội dung sai lệch, TikTok vẫn đang là nền tảng được nhiều người dùng trẻ tin tưởng khi tìm kiếm thông tin, lời khuyên.

Mai An

Bạn có thể quan tâm