Trải qua hơn 70 năm, tiệm trà Di Phát (quận 11, TP.HCM) vẫn tiếp tục làm nghề, giữ gìn công thức gia truyền từ đời cha ông để lại. Ông Quách Huê (58 tuổi) là truyền nhân đời thứ 2 của tiệm.
Gia đình ông Huê có truyền thống làm trà từ xưa, khi còn ở Triều Châu, Trung Quốc. Sau này, cha của ông di cư sang Việt Nam, ông mang theo nghề gia truyền này và bắt đầu lập nghiệp, mở một tiệm trà nhỏ ở đất Sài Gòn xưa.
Từ bé, ông Huê đã được tiếp xúc với nghề trà nên có sự gắn kết và am hiểu về trà sâu sắc. Chính vì vậy, dù vất vả, tốn nhiều công sức, nhưng ông vẫn bám trụ với nghề hơn 30 năm qua.
Tiệm có bán đủ loại trà từ Việt Nam cho đến Trung Quốc. Trà có nguồn gốc từ Việt Nam bao gồm các loại như: trà Thái Nguyên, trà Bảo Lộc,… và đặc sắc nhất là trà lài do chính tiệm sản xuất bằng phương pháp thủ công, được sấy qua 3 lần để loại bỏ tạp chất.
Giá của loại trà này dao động 50.000-450.000 đồng/kg. Trà được để trong các thùng kín để đảm bảo độ giòn. Khi khách mua mang về, trà được gói bằng giấy để tránh bị ẩm.
Trà có xuất xứ Trung Quốc sẽ có mức giá cao hơn, dao động từ 2.500.000 đến 7.000.000 đồng/kg. Ông Huê cho biết các loại trà này mỗi năm chỉ sản xuất một lần. Thu hoạch vào tháng 3 và bán ra vào tháng 6. Loại trà thượng hạng, có giá cao nhất là trà Phượng Hoàng Đơn Tùng, được nhập từ Triều Châu, Trung Quốc.
Ngoài ra, tiệm cũng nhận đóng gói trà để làm sính lễ cưới hỏi theo phong tục của người Hoa. Một góc nhỏ của tiệm cũng trưng bày bánh kẹo cưới như bánh pía Triều Châu, kẹo mè xửng,… Theo lời ông Huê, số lượng bánh pía bán ra hiện nay đã giảm đi nhiều. Thời còn hưng thịnh, mỗi ngày tiệm bán hơn 30 chiếc.
Vì tính chất công việc vất vả nên hiện nay tiệm trà Di Phát vẫn chưa có thế hệ tiếp theo để truyền nghề. Hi vọng trong tương lai sẽ có người kế nhiệm, tiếp tục duy trì và phát triển nghề trà truyền thống của gia đình.