Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tiên cá' ama lâm nguy

Các thợ lặn “ama” tại Nhật Bản lo ngại ngành nghề này có thể không thể tồn tại ở thế hệ con cháu, khi nhiệt độ nước biển tăng làm giảm sản lượng đánh bắt và gây xói mòn thu nhập.

Nghề thợ lặn "ama" đang dần lụi tàn ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Times.

Bà Yoshino Uemura đến với thế giới của những nữ thợ lặn “ama” khá muộn, khi đã ngoài 40 tuổi. Hơn hai thập kỷ sau, bà đang cảm thấy cần phải hành động ngay lập tức nếu muốn nghề này tiếp tục tồn tại cho các thế hệ tương lai.

Mặc trên người bộ đồ lặn, các ama lặn xuống một độ sâu nhất định mà không cần bình khí để bắt bào ngư, lấy rong biển và các loại hải sản khác, và đôi khi là ngọc trai. Nghề thợ lặn ama chỉ xuất hiện ở Hàn Quốc và Nhật Bản, song ở tỉnh Mie, trung tâm của nghề này tại đất nước Mặt Trời mọc, nó lại đang lụi tàn.

Số lượng thợ lặn ama ở các thành phố Toba và Shima thuộc tỉnh Mie đang giảm mạnh. Điều này làm dấy lên báo động trong cộng đồng địa phương rằng văn hóa ama có thể không tồn tại cho các thế hệ tương lai.

Một nghề truyền thống đang dần mai một

Ama trong tiếng Nhật có nghĩa là “người phụ nữ của biển”. Các thợ lặn Ama đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhờ phương pháp đánh bắt bền vững, cũng như thực tế rằng phụ nữ chiếm đại đa số những người trong nghề, theo Japan Times.

Bên ngoài Nhật Bản, ama thường được mô tả là "thợ lặn ngọc trai". Tuy nhiên, ngày nay, việc thu hoạch ngọc trai tự nhiên gần như là bất khả thi, vì chúng đã biến mất khỏi vùng biển Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX do đánh bắt quá mức.

Các cuộc khảo sát cho thấy số lượng thợ lặn ở các thành phố Toba và Shima đã giảm mạnh xuống dưới 10% so với con số năm 1949.

tho lan Nhat Ban anh 1

Tỉnh Mie có nhiều ama nhất Nhật Bản. Ảnh: Japan Times.

Thủ phạm chính dường như là suy thoái môi trường do nhiệt độ nước biển tăng, làm giảm sản lượng đánh bắt. Thu nhập thấp đã khiến việc duy trì cuộc sống trở nên khó khăn tột độ.

South China Morning Post cho biết nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm cải thiện môi trường biển và đảm bảo nguồn thu nhập mới cho các thợ lặn, nhưng dường như vẫn chưa có giải pháp khả dĩ nào.

Bà Uemura vẫn nhớ rất rõ lần lặn chuyên nghiệp đầu tiên của mình vào năm 43 tuổi. “Nước trong vắt, rong biển mọc khắp nơi, cá bơi lội tung tăng. Nó đẹp như thể tôi đang bơi trong một bể thủy sinh vậy. Tôi vẫn không thể quên được”, bà Uemura, hiện 69 tuổi, nói.

Mặc dù mẹ chồng bà là một ama, gia đình lại phản đối sự lựa chọn nghề nghiệp của bà. Họ cho rằng đối với một nghề có lịch sử hàng nghìn năm ở tỉnh miền Trung Nhật Bản, hầu hết phụ nữ bắt đầu lặn ở độ tuổi 20.

“Họ hỏi tôi: 'Tại sao lại là bây giờ?'. Nhưng tôi yêu đại dương”, bà Uemura nói. Đó là một khởi đầu đầy sóng gió. Trong những lần lặn đầu tiên, bà Uemura thường bị sóng đánh và thậm chí bị gãy xương sườn khi cơ thể va vào đá.

Trong khi bản thân các thợ lặn ama đặc biệt quan tâm đến việc không đánh bắt quá mức tài nguyên biển bằng việc tuân thủ các quy định tự đặt ra, bà Uemura lại lo lắng về tương lai.

Vài năm trước, việc thu hoạch rong biển wakame trở nên bất khả thi. Và nếu không có wakame, số lượng cá sống trong các thảm rong biển cũng sẽ giảm. Bà lo ngại rằng “việc đánh bắt sẽ không tiếp tục đối với thế hệ con cháu mình”.

Không đứng yên

Giáo sư sinh vật biển Hirokazu Matsuda tại Đại học Mie nhận định dòng hải lưu ấm được gọi là "dòng chảy đen" đã có tác động lớn đến hệ sinh thái biển kể từ năm 2017. Dòng nước biển có nhiệt độ cao này được cho là nguyên nhân chính đằng sau sự gia tăng quá mức của cá và nhím biển - những sinh vật ăn rong biển.

Như vậy, “văn hóa ama đang gặp nguy hiểm”, Japan Times dẫn lời bà Mai Ishihara, lãnh đạo Bảo tàng Dân gian biển Toba.

Theo các nghiên cứu của Bảo tàng Dân gian biển Toba và Đại học Mie, vào năm 2022, số lượng thợ lặn ama được xác nhận ở Toba và Shima đã giảm xuống còn 514 người, mức thấp nhất kể từ năm 1949. Vào năm đó, số thợ lặn ama là hơn 6.000 người.

Năm 2010, lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 1.000. Hầu hết thợ lặn ama hiện nay đều ở độ tuổi 60 hoặc 70, người lớn tuổi nhất là 88.

“Thu nhập giảm do thay đổi môi trường biển đang đẩy nhanh việc nghề này thiếu người kế thừa”, bà Mai Ishihara quan ngại.

tho lan Nhat Ban anh 2

Một thợ lặn ama đang lặn dưới nước ngoài khơi thành phố Shima, tỉnh Mie. Ảnh: Straits Times.

Dẫu vậy, cả ama và hợp tác xã nghề cá đều không đứng yên. Năm ngoái, bà Uemura và nhiều người khác đã tham gia hoạt động lặn để loại bỏ một loài nhím biển có gai dài đang phá hủy các khu rừng tảo bẹ trong khu vực. Các ama đang hành động để ngăn chặn sự suy giảm của rong biển.

Kaori Arai, 39 tuổi, đã bỏ công việc văn phòng và chuyển đến Shima từ tỉnh Osaka để trở thành thợ lặn vào năm 2014. “Nếu môi trường biển được cải thiện, số lượng thợ lặn ama đương nhiên sẽ tăng lên”, cô chia sẻ.

Năm 2017, chính quyền trung ương đã chỉ định phương pháp đánh cá ama của Toba và Shima là tài sản văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng. Hai năm sau, Toba và Shima được Cơ quan Văn hóa công nhận là di sản Nhật Bản.

Tại Satoumian ở Shima, một nhà hàng mô phỏng theo túp lều của ama - nơi những người phụ nữ thường nghỉ ngơi sau khi lặn, các ama đang nướng hải sản trước mặt khách hàng.

Các ama rất cảm kích Satoumian vì nhà hàng này mang lại cho họ cơ hội kiếm tiền ngay cả khi điều kiện biển động khiến việc lặn là không thể.

Năm 2010, Hiệp hội Hợp tác xã Thủy sản Miegaiwan ở Shima bắt đầu hướng dẫn lặn cho những người muốn trở thành ama và cung cấp nhà ở cho họ.

Tuy nhiên, hiệp hội đã ngừng tuyển dụng ama vì không thể đảm bảo thu nhập của họ do sản lượng khai thác biển giảm.

“Để bảo tồn văn hóa ama cho các thế hệ tương lai, không chỉ bản thân các thợ lặn ama mà chính quyền và các hợp tác xã nghề cá phải nghĩ ra cách tốt nhất để hợp tác với nhau”, bà Ishihara nhận định.

Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản

Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Hiện tượng 'hikikomori' đeo bám người Nhật sau đại dịch

Sau đại dịch Covid-19, nhiều người Nhật Bản chọn sống tách biệt với xã hội bất chấp nỗ lực hàn gắn từ chính phủ.

Dịch cúm gia cầm tồi tệ đến mức Nhật Bản hết đất chôn gà

Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất đã khiến Nhật Bản phải tiêu hủy hàng triệu con gà, kéo theo bài toán đau đầu về chỗ chôn.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm