Ngày 11/8, Nga tuyên bố phê duyệt vaccine phòng Covid-19. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết quốc gia này đã lên kế hoạch tiêm chủng miễn phí vào tháng 10. Tại Việt Nam, một số công ty cũng đang nghiên cứu, sản xuất loại vaccine này.
Chiều 12/8, họp trực tuyến với 15 địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Ngành y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine phòng ngừa, điều trị Covid-19".
Ông Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - chia sẻ việc nghiên cứu thành công vaccine phòng Covid-19 là thách thức với các nhà sản xuất.
Dựa trên các phát minh, mỗi quốc gia có lựa chọn riêng khi phát triển vaccine. Ví dụ, Đại học Boston (Mỹ) chuyên nghiên cứu giá thể virus để làm vaccine. Việt Nam cũng bám sát các phát minh của thế giới để áp dụng vào việc sản xuất vaccine.
VABIOTECH đã thử nghiệm thành công vaccine Covid-19 trên chuột. Ảnh: BSCC. |
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế, cho biết theo dự tính, cuối năm 2021, vaccine Covid-19 của Việt Nam hoàn thành.
"Nếu Việt Nam thành công, khoảng thời gian như vậy là quá nhanh. Theo truyền thống, chúng ta phải mất 5-6 năm để cho ra đời một vaccine mới", TS Vân nói.
Thế giới có khoảng 163 ứng viên vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển. Những nỗ lực này chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ.
Tại Việt Nam, 4 nhà đơn vị đang nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19.
Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Quy trình sản xuất tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. IVAC đã chuẩn bị sản xuất những lô thử nghiệm đầu tiên.
Dự kiến tháng 10-12, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người và 2 giai đoạn tiếp theo vào đầu năm 2021, sau đó nâng cấp quy mô 30 triệu liều/năm. Tháng 4/2021, đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép.
Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ vector Baculovirus. Đơn vị này đã tiêm thử nghiệm trên chuột cho kết quả tốt. Đặc biệt, vaccine có đáp ứng miễn dịch ở liều nhắc lại.
Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) áp dụng công nghệ tái tổ hợp, sử dụng vector virus sởi. POLYVAC đang chờ phê duyệt dự án nghiên cứu của Bộ Khoa học Công nghệ, tổ chức đấu thầu sinh phẩm.
Đơn vị thứ 4 là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Công ty này đã nghiên cứu thành công ứng cử viên vaccine subunit dựa trên protein S của virus SARS-CoV-2. Loại này được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp. Vaccine sẽ bao gồm protein S của chủng virus ở Vũ Hán (Trung Quốc) và chủng đột biến D614G.