*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Tiến sĩ Nguyễn Việt Hà.
Xét về khía cạnh hạ tầng, tôi nhận thấy nhất là cao ốc, Hà Nội có thể tự hào với những công trình thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó là rất nhiều toà chung cư, văn phòng đã và đang được đầu tư xây dựng với tốc độ đô thị hoá chóng mặt.
Bên cạnh đó, hệ thống đường nội đô và ngoại đô cũng được quy hoạch với các tuyến đường vành đai và hệ thống cao tốc nối các tỉnh thành.
Theo dữ liệu thống kê từ website Seasia và ASeanstats, tỷ lệ sở hữu ôtô của người Việt Nam là 23 xe/1.000 người dân. Trong khi đó, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Brunei đứng đầu danh sách với 721 xe, tiếp theo là Malaysia với 443 xe và Thái Lan 225 xe, cao hơn 10-30 lần so với Việt Nam.
Số liệu thống kê 2018 chỉ ra dù là quốc gia đông dân số thứ 3 ASEAN, lượng xe mới được bán ra tại Việt Nam chỉ bằng 25,07% Indonesia. Đường phố Hà Nội với 70% phương tiện cá nhân là xe máy, được đánh giá là hình ảnh thuộc về 20 năm trước của các thành phố đang phát triển. Thế nên hiện tại chúng ta vẫn phải gặp cảnh những dòng xe máy hỗn độn phá mất vẻ đẹp của Thủ Đô.
Theo TS Nguyễn Việt Hà, giao thông hỗn loạn làm mất đi vẻ đẹp của thủ đô. |
Đứng trên góc độ kinh tế, tôi tin rằng việc sở hữu một chiếc xe bốn bánh hiện nay không còn là quá khó đối với người dân Hà Nội.
Những chiếc ôtô đời mới của các thương hiệu nổi tiếng hay nhiều chiếc ôtô đã qua sử dụng cũng chỉ có giá khoảng hơn 300 triệu đồng.
Lý do nhiều người vẫn chưa quyết định đầu tư một chiếc ôtô là tâm lý “ăn chắc mặc bền” từ thời cha ông. Họ so sánh việc đầu tư vào một chiếc xe hơi với việc đầu tư vào bất động sản, vàng, kinh doanh…, coi ôtô là một dạng tiêu sản, là nguyên nhân gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Nhưng thực tế hiện nay đã hoàn toàn khác, ôtô chính là phương tiện hiện đại và văn minh, mang lại nhiều tiện ích trong công việc lẫn cuộc sống. Những người sở hữu ôtô thấy được lợi ích của việc chủ động trong đi lại, không mất thời gian chờ đợi taxi hay đi xe máy dưới trời mưa bão, giữa ngày đông rét mướt hay mùa hè khắc nghiệt của Hà Nội. Tôi ủng hộ các gia đình Hà Nội có ôtô riêng, vì sau 4 năm mua được ôtô là khoảng thời gian dễ đạt được.
Theo dự báo, giai đoạn phổ cập ôtô tại Việt Nam sẽ diễn ra vào khoảng 2020-2030, lượng xe chắc chắn sẽ chiếm áp đảo hơn trên đường phố Hà Nội. Điều này do ảnh hưởng tích cực từ yếu tố bên trong yếu tố bên ngoài của mỗi người dân.
Yếu tố bên trong là thu nhập của người Hà Nội ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian sở hữu ôtô. Hiện GRDP (Gross Regional Domestic Product) của Hà Nội tăng trưởng bền vững, chưa bao giờ dưới 7%/ năm. Bên cạnh đó là tư duy cởi mở hơn về ôtô. Người dân nhìn thấy những lợi ích trong cuộc sống mà loại phương tiện này đem lại, thay vì cái nhìn tiêu cực.
Yếu tố bên ngoài đến từ các chính sách dài hạn góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước, giảm thuế nhập khẩu, chính sách cấm xe máy đi vào các tuyến đường lớn tại nội đô Hà Nội cũng sắp được triển khai.
Theo TS Nguyễn Việt Hà, phổ cập ôtô giúp nâng cao hình ảnh thủ đô. |
Tất cả điều kiện thuận lợi này sẽ khiến người Hà Nội dễ dàng sở hữu một chiếc xe ôtô cho riêng mình chỉ trong 4 năm, hoặc thậm chí còn rút ngắn hơn trong tương lai gần, giúp người dân vừa nâng tầm chất lượng cuộc sống, vừa góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển hiện đại hoá thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là thời điểm thích hợp để lên kế hoạch hạn chế xe máy, hỗ trợ ôtô lăn bánh nhiều hơn, nhằm mang lại cho thủ đô diện mạo văn minh, hiện đại và xứng tầm hơn.
Bình luận