![]() |
Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm việc tại một xưởng chế biến tóp mỡ gần nhà. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bệnh nhân khởi phát ngày 16/7 với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó, người này nhập viện Bệnh viện đa khoa Hà Đông, được xét nghiệm dịch não tủy. Kết quả dương tính với liên cầu lợn.
Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm việc tại một xưởng chế biến tóp mỡ gần nhà. Trong quá trình lao động, người này từng bị đứt tay - một yếu tố nguy cơ khiến vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập cơ thể qua vết thương hở.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc liên cầu lợn, không có trường hợp không qua khỏi, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Về các dịch bệnh khác, trong tuần (18-25/7), CDC Hà Nội ghi nhận thêm 72 ca mắc sốt xuất huyết tại 38/126 phường, xã. Con số này tăng gần gấp đôi so với tuần trước (38 ca). Một số địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Tây Hồ (13 ca), Phượng Dực và Hát Môn (5 ca), Xuân Phương (4 ca)...
![]() |
Cán bộ y tế của CDC Hà Nội giám sát ổ dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng. Ảnh: CDC Hà Nội. |
Hiện nay, số mắc có xu hướng tăng nhanh. Kết quả giám sát cho thấy chỉ số côn trùng tại nhiều ổ dịch đang ở mức nguy cơ cao. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng khi Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm mùa dịch. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận tổng cộng 475 ca mắc sốt xuất huyết, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 (1.408 ca).
Thành phố cũng ghi nhận 88 ca mắc tay chân miệng trong tuần qua, giảm nhẹ so với tuần trước (105 ca). Dù không ghi nhận ổ dịch mới, số ca tích lũy từ đầu năm đến nay đã lên đến 3.293, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Sởi tiếp tục diễn biến phức tạp với 28 ca mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên 4.295. Đáng chú ý, bệnh nhân trải dài ở nhiều nhóm tuổi, trong đó có trẻ sơ sinh dưới 6 tháng (12,2%), trẻ từ 1-5 tuổi (20,2%) và cả người ≥16 tuổi (18,6%).
Trong tuần, thành phố cũng ghi nhận thêm 2 ca ho gà và 36 ca Covid-19.
CDC Hà Nội cho biết cơ quan đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế, chính quyền địa phương để giám sát phát hiện sớm các ca bệnh. Người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách sử dụng thực phẩm chín, đảm bảo vệ sinh cá nhân khi chế biến thịt lợn, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu bất thường.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...