Chi phí sinh hoạt cố định đã chiếm gần 90% thu nhập trung bình của hộ gia đình ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Kim Hong-ji/Reuters. |
Đặt mục tiêu tài chính là bước đầu tiên chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp hơn. Thế nhưng, cứ 10 người Hàn Quốc thì có 3 người nói rằng đó là điều xa xỉ đối với họ, Korea Times đưa tin.
Theo báo cáo tiêu dùng tài chính năm 2023 do Viện Tài chính Hana công bố hôm 29/12, 86% thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình, tương đương 4,89 triệu won (3.800 USD), được dùng để chi trả các khoản cố định, bao gồm bảo hiểm và thanh toán thế chấp.
Dựa trên khảo sát 5.000 người trưởng thành khắp Hàn Quốc, báo cáo nhằm mục đích xem xét yếu tố thay đổi đa chiều của tài chính người tiêu dùng, cũng như ý kiến của họ về các vấn đề hiện nay.
Người trẻ Hàn Quốc không đủ khả năng chuẩn bị tương lai vì mức sinh hoạt phí ngày càng tăng. Ảnh minh họa: Kim Hong-ji/Reuters. |
Do chỉ còn lại ít tiền sau khi trừ hết các khoản cố định, cứ 3 trên 10 người được hỏi không có mục tiêu tài chính. Trong đó, 17,9% nói rằng duy trì cuộc sống đơn giản đã đủ trở thành gánh nặng với họ, 13,4% nói rằng họ chưa bao giờ thiết lập mục tiêu tài chính.
Tỷ lệ này đặc biệt cao ở thế hệ MZ (Milennials và Gen Z), cho thấy rằng người trẻ không đủ khả năng chuẩn bị cho tương lai.
Khảo sát cũng cho thấy 8 trên 10 người Hàn Quốc đã đầu tư hoặc cân nhắc đầu tư vào tiền ảo - phản ánh sự bùng nổ đầu tư thị trường vài năm qua. Họ kỳ vọng thu được lợi nhuận đầu tư cao, nhưng cuối cùng phải dừng lại do thua lỗ phát sinh.
71,1% nhà đầu tư gánh chịu khoản lỗ hơn 10%, cao gấp 2,7 lần so với những người thu được lợi tức hơn 10%.
Tuy nhiên, chỉ 4,3% nhà đầu tư tiền ảo nói rằng họ dày dặn kiến thức ở lĩnh vực này. Điều này cho thấy với những người còn lại, các khoản đầu tư không khác nhiều so với trò cá cược đơn giản thông thường.
Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục.
Giá bất động sản leo thang nằm trong số những nguyên nhân chính gây ra sự bất bình đẳng giàu nghèo sâu sắc ở Hàn QUốc. Ảnh minh họa: Ed Jones. |
Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, tài sản trung bình thuộc sở hữu của 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất là 1,65 tỷ won, gấp 64 lần so với mức 25,8 triệu won của 20% nhóm thu nhập thấp nhất.
Đó là khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ khi đơn vị này tiến hành khảo sát, Chosun Ilbo đưa tin.
Hệ số Gini đối với tài sản, đánh giá mức độ phân bổ của cải, nằm ở mức 0,66, cũng là ngưỡng cao kỷ lục. Chỉ số nằm trong khoảng từ 0 đến 1 và càng gần 1 thì sự bất bình đẳng càng cao. Tình trạng này chủ yếu là do giá bất động sản leo thang.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.