Theo điều khoản được hợp đồng đưa ra, ban tổ chức The Voice có thể tùy ý hành xử những trường hợp sau đây:
- Thay đổi luật chơi bất cứ lúc nào.
- Loại các thí sinh bất cứ lúc nào, kể cả khi họ được công chúng yêu thích.
- Bỏ qua hệ thống bầu chọn của chương trình, bao gồm doanh số tiêu thụ bài hát của các thí sinh trên iTunes, trong trường hợp xảy ra vấn đề.
- Buộc các thí sinh trải qua việc khám sức khỏe hoặc tâm lý, và trong một số trường hợp nhất định, phải công bố kết quả khám trên TV.
Thí sinh tiết lộ những điều này và các chi tiết khác từ hợp đồng, có thể bị kiện 100.000 đến 1 triệu đô (khoảng 2 tỷ đến 22 tỷ đồng). Nhưng một số phần trong hợp đồng đã được rò rỉ bởi một người dùng twitter có tên @OfficialTVC vì anh cho rằng hợp đồng này "không công bằng và vô nhân tính".
"Nhà sản xuất và nhà đài có quyền loại bỏ hoặc thay thế tôi bằng một thí sinh khác trong series bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do nào, theo chủ ý của họ", tài khoản chia sẻ. Vế này của hợp đồng có thể giải thích lý do Judith Hill, cựu ca sĩ hát backup của Michael Jackson, bị loại khỏi cuộc chơi vào tháng 5 năm ngoái dù cô được khán giả yêu thích.
Người này cũng nói thêm: “Ngoài quyền tự ý loại thí sinh, hợp đồng này còn cho phép ban tổ chức có thể định hướng sai dư luận bằng cách chê bai, làm xấu hình ảnh của tôi, để tôi mất chỗ đứng trong cuộc thi nếu như họ không vừa ý".
Mặc dù được yêu thích nhưng ở mùa giải thứ 4 năm ngoái, Judith vẫn bị loại khỏi cuộc chơi. |
Bản hợp đồng cũng có thể giải thích về sự tranh cãi vào thời điểm đó, khi số phiếu bầu chọn qua tin nhắn và online bị loại bỏ khỏi việc xếp hạng trong một tuần, bởi vì "một số sự mâu thuẫn" được phát hiện bởi Telescope, công ty độc lập thực hiện việc giám sát số phiếu bầu.
Người dẫn chương trình Carson Daly lúc đó cho biết: "Để hoàn toàn công bằng, số phiếu bầu qua tin nhắn và online không được tính... Telescope đã xác nhận rằng việc loại bỏ số phiếu này không ảnh hưởng tới kết quả bầu chọn của bất cứ đội nào". Nhưng lời khẳng định này bị nhiều người hoài nghi về sự thật.
Một đài diện của The Voice cũng khẳng định rằng: “Tính toàn vẹn và sự cạnh tranh của chương trình là điều quan trọng nhất với NBC, tất cả các lá phiếu bình chọn của The Voice đều được Telescope xác nhận rõ ràng".
Nhưng những lời bào chữa trong thời điểm này hầu như đều vô hiệu lực, không mấy ngạc nhiên khi nhà sản xuất cố tình bưng bít vụ bê bối vào thời điểm này. Những gì đang diễn ra với The Voice giống hệt như scandal của American Idol ở mùa giải 2, 4, 5 và 9.
Một chuyên gia pháp lý nhận định rằng hợp đồng pháp lý là một tài liệu được thiết lập để bảo vệ kênh truyền hình và nhà sản xuất trong bất kỳ trường hợp nào. Câu hỏi được đặt ra là bê bối này sẽ đi đến đâu, liệu nó có được giải quyết tận cùng hay rồi cũng sẽ yên xuôi như American Idol trong quá khứ?
Dù thế nào đi nữa, thông tin này cũng là một báo hiệu vô cùng quan trọng, cho thấy bộ mặt thực tế chung của cái gọi là “truyền hình thực tế” trên thế giới. Bởi từng có thời gian người ta thường xuyên đặt các chương trình mua bản quyền của Việt Nam lên bàn cân với thế giới, và rồi không ít chỉ trích, chê bai được đưa ra chỉ để thấy sự biến tướng thế nào của những chương trình này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, so với sự pháp lý hóa những áp lực đặt cho thí sinh và gia tăng quyền lực độc đoán của ban tổ chức trong một cuộc thi danh tiếng thế giới như The Voice Mỹ thì những scandal nho nhỏ theo kiểu “dựa hơi quan hệ” hay “chấm theo cảm tình” ở Việt Nam xem ra vẫn chưa là gì đáng kể.
Tóm lại, dù muốn hay không, scandal là điều không thiếu và cũng không cần tránh với một show truyền hình thực tế. Những chuyên gia đã phân tích, bản thân chương trình chẳng có một chuẩn mực nào cho thí sinh, nhưng những hợp đồng pháp lý như thế này lại là chuẩn mực chung của cả ngành công nghiệp giải trí.