Người điều hành cửa hàng Liu Ma Kee cho biết doanh nghiệp gia đình này bắt đầu nhập đậu phụ lên men khoảng 30 năm trước. Ảnh: Elson Li. |
Ngày 22/7, đại diện Liu Ma Kee, cửa hàng đậu phụ thối vừa bị đóng cửa tại Hong Kong (Trung Quốc), thừa nhận nhập khẩu đậu phụ từ đại lục trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến người tiêu dùng sốc và khiếu nại lên cơ quan hải quan chức năng. Trước đó, họ tin Liu Ma Kee tự sản xuất các sản phẩm đậu lên men bán ra thị trường với công thức gia truyền gần 120 năm.
Cụ thể, Jay Liu Fong-yip, quản lý thế hệ thứ 4 của Liu Ma Kee, cháu trai người sáng lập cửa hàng, lên tiếng xin lỗi các cơ quan y tế vào thứ hai (22/7) vì đã "phản ứng thái quá" trước những tiết lộ gần đây của Trung tâm An toàn Thực phẩm. Đây là nơi phát hiện ra mức độ vi khuẩn không đạt yêu cầu trong các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng này.
Trước truyền thông, Liu lần đầu tiên thừa nhận: "Đậu phụ lên men trắng không phải do Liu Ma Kee sản xuất, chính quyền đã nói sự thật. Nó được nhập từ một nhà sản xuất khác".
Theo lời Liu, gia đình anh bắt đầu nhập khẩu đậu phụ cách đây khoảng 30 năm vì họ không thể đáp ứng được các quy định chặt chẽ hơn về xử lý nước thải. Anh nói ngay cả khi lắp đặt thiết bị xử lý tốn kém, nước có tính axit, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất đậu phụ lên men thô vẫn không thể pha loãng được trước khi thải ra ngoài.
Thời điểm đó, cha mẹ Liu kỳ vọng cửa hàng có thể duy trì hoạt động kinh doanh lâu hơn. Cuối cùng, họ đã quyết định nhập khẩu đậu phụ sống từ đại lục. Liu khẳng định sản phẩm cuối cùng của họ vẫn được sản xuất tại Hong Kong, như "được công nhận trong các văn bản của chính phủ".
Anh cho biết thêm, sau khi nhập khẩu đậu phụ, quá trình sản xuất tại địa phương bao gồm 5-6 quy trình khác là: lên men, tẩm gia vị, chiết rót vào chai. Tuy nhiên, anh thừa nhận một số khách hàng có thể nghĩ rằng sản phẩm được sản xuất hoàn toàn tại Hong Kong.
Jay Liu, chủ sở hữu thế hệ thứ tư của Liu Ma Kee, xin lỗi các cơ quan giám định. Ảnh: Elson Li. |
Cùng với đó, ngày 23/7, các cơ quan an toàn thực phẩm chính thức xác nhận cửa hàng Liu Ma Kee đã nhập khẩu đậu phụ bảo quản thay vì tự sản xuất, đồng thời chế biến thêm các chất phụ gia trong điều kiện vệ sinh kém, rồi bán ra thị trường.
Trung tâm An toàn Thực phẩm cho biết thêm doanh nghiệp gia đình này không tự sản xuất đậu phụ tại địa phương, gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội. Trong khi cửa hàng đậu phụ gần 120 năm tuổi này từng được cho là "niềm tự hào" của ẩm thực Hong Kong khi nằm trong chiến dịch của Ban Du lịch nhằm nêu bật các doanh nghiệp di sản.
Cục Hải quan và Thuế thông báo họ đã nhận được báo cáo về nơi xuất xứ của các sản phẩm mà Liu Ma Kee nhập về bán. "Nếu phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào, chúng tôi sẽ thực hiện các hành động xử lý thích hợp", thông báo cho biết.
Cơ quan hải quan lưu ý điều luật không yêu cầu thông tin về nguồn gốc của hàng hóa hoặc bao bì phải được hiển thị. Tuy nhiên, tất cả các mô tả được đánh dấu hoặc gắn vào hàng hóa phải chính xác.
Đầu tháng 7, các cơ quan y tế thông báo rằng các chai đậu phụ lên men lấy từ một nhà bán lẻ ở Sai Ying Pun có hàm lượng vi khuẩn Bacillus cereus không đạt yêu cầu.
Ngày 18/7, cửa hàng của Liu Ma Kee ở Du Ma Địa đột ngột đóng cửa. Một thành viên gia đình đã lên tiếng chỉ trích những phát hiện của chính phủ trên một chương trình truyền hình.
Người này đổ lỗi cho chính quyền vì đã "đưa cửa hàng xuống địa ngục chỉ sau một đêm" và phá hủy lòng tin của khách hàng vào thương hiệu.
Sản phẩm đậu phụ thối của Liu Ma Kee bị chỉ trích sau các báo cáo vệ sinh kém gần đây. Ảnh: Facebook/Liu Ma Kee. |
Trước sự việc, Liu cho biết người phát ngôn là mẹ anh và giải thích rằng bà cảm thấy thất vọng sau nhiều năm cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh. Cuối cùng bà quyết định đóng cửa cửa hàng.
Chủ cửa hàng cho biết sản xuất đậu phụ lên men không hề dễ như mọi người nghĩ, đồng thời nhấn mạnh thời tiết nóng nực của thành phố khiến việc sản xuất và bảo quản càng khó khăn hơn.
“Trong điều kiện không có chất bảo quản, rất khó để không vượt quá giới hạn (mức độ vi khuẩn)”, Lưu cho biết.
Dù vậy, những giải thích mới nhất của đại diện Liu Ma Kee vẫn chưa giành được sự đồng cảm từ dư luận. Nhiều người dùng mạng bày tỏ sự không hài lòng ngay trên trang của Liu Ma Kee, cho rằng cửa hàng này nhiều năm qua đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.