Bức ảnh được một người dùng Facebook đăng tải vào ngày 18/7 cho thấy cửa hàng của Liu Ma Kee đã đóng cửa. Ảnh: Facebook. |
Ngày 18/7, Liu Ma Kee, cửa hàng đậu phụ thối nổi tiếng kéo dài 4 thế hệ tại khu phố Du Ma Địa, Hong Kong (Trung Quốc), đột ngột thông báo đóng cửa sau gần 120 năm hoạt động.
Sự việc này xảy ra chỉ hơn 2 tuần sau khi các cơ quan y tế ban hành cảnh báo về một chai đậu phụ lên men có vấn đề, khiến cửa hàng này phải thu hồi lô hàng khỏi thị trường.
Được gọi là fuyu, đậu phụ lên men (đậu phụ thối) là một món ăn truyền thống của Trung Quốc. Nguyên liệu chính là đậu nành đã chế biến, kết hợp với muối, rượu gạo và hương liệu sau đó ủ lên men.
Sản phẩm hoàn thiện có mùi nồng đặc trưng, kết cấu mềm dẻo giống như phô mai và là món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm truyền thống của người Quảng Đông.
Jay Liu Fong-yip (bên trái) là thế hệ thứ tư trong gia đình quản lý tại Liu Ma Kee - cửa hàng đậu phụ thối được thành lập vào năm 1905 tại khu phố Ma Du Địa nổi tiếng Hong Kong. Ảnh: Xiaomei Chen. |
Cửa hàng Liu Ma Kee từng xuất hiện trong chiến dịch của Hội đồng Du lịch Hong Kong năm 2021 nhằm thúc đẩy du lịch địa phương. Thời điểm đó, Jay Liu Fong-yip, một thành viên trong hệ hệ thứ tư của doanh nghiệp này, nói rằng ông hy vọng chiến dịch sẽ khuyến khích nhiều khách hàng địa phương đến thăm cửa hàng hơn.
Tuy nhiên, vào ngày 18/7, hình ảnh cửa hàng nổi tiếng gần 120 năm tuổi này dán giấy "đóng cửa, ngừng kinh doanh" khiến nhiều cư dân mạng bất ngờ, bàn tán. Trên Internet, địa chỉ này cũng bị gắn nhãn "Đóng cửa vĩnh viễn".
Trước đó, ngày 4/7, Trung tâm An toàn Thực phẩm của chính quyền Hong Kong cảnh báo về lô đậu phụ lên men đóng chai lấy từ một nhà bán lẻ ở Sai Ying Pun cho thấy mức độ vi khuẩn Bacillus cereus không đạt yêu cầu.
Liu Ming Kee được thành lập vào năm 1905, là cửa hàng bán đậu phụ lên men đã qua 4 đời. Ảnh: Stheadline. |
Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu này chứa Bacillus cereus ở mức 130.000/gam, trong khi ngưỡng tiêu thụ an toàn là 100.000/gam. Công chúng được khuyến cáo không tiêu thụ lô hàng này và nhà cung cấp cũng được yêu cầu ngừng bán. Liu Ma Kee đã làm theo yêu cầu của chính quyền để thu hồi số hàng có vấn đề.
Bà Liu, mẹ của Jay Liu, liên hệ với Scoop, một chương trình truyền hình Hong Kong do TVB phát sóng để chia sẻ cảm xúc của bà sau cuộc điều tra.
Chương trình phát sóng có thời lượng một tập. Trong đó, bà Liu kể về việc gặp một đại diện của Trung tâm An toàn Thực phẩm đến cửa hàng Yau Ma Tei của Liu Ma Kee vào ngày 3/7. Ông mua một chai đậu phụ lên men để thử nghiệm. Do mẫu lấy từ nhà bán lẻ Sai Ying Pun nên hạn sử dụng không có ngày, tháng rõ ràng.
Bà khẳng định doanh nghiệp đã đưa ra cảnh báo về lô đậu phụ lên men trước khi có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, một nhân viên của trung tâm đã nói với họ vào ngày 8/7 các xét nghiệm mẫu từ cửa hàng cho kết quả khả quan.
Người phụ nữ buồn rầu cho biết kể từ khi trung tâm ban hành cảnh báo, nhiều khách hàng đã đến nhà bà để trả lại sản phẩm đã mua.
“Chỉ sau một đêm, chúng tôi đã bị đày xuống địa ngục. Khách hàng không còn tin tưởng chúng tôi nữa. Tôi có thể làm gì, tôi có nên đóng cửa hàng không? Tôi không muốn tiếp tục nữa”, bà nói.
Sau đó, một báo cáo tiếp theo do trung tâm ban hành vào ngày 16/7 tiết lộ một mẫu mới được lấy từ chai đậu phụ lên men với hạn sử dụng là 7/8/2025 của Liu Ma Kee có hàm lượng Bacillus cereus là 1.300.000/gam - gấp 12 lần mức khuyến cáo để tiêu thụ an toàn.
Bacillus cereus là vi khuẩn Gram dương, hình que, sinh bào tử, kỵ khí. Đây là một trong những "thủ phạm" gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Khuẩn Bacillus cereus có thể gây nhiễm trùng tiêu hóa, trường hợp nặng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm càng bẩn, bảo quản, chế biến không tốt, càng dễ ngộ độc.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.