Sữa chua mít Bà Triệu
Món ăn không khó làm, chỉ cần loại sữa chua đóng hộp sẵn kết hợp thêm mít tươi cùng trân châu, thạch, sirô, sữa đặc là đã có một bát sữa chua mít ngon, mát, no nê, mà giá chỉ khoảng 15.000 đồng/bát. Nhiều ưu điểm nên khoảng hơn 2 năm trở lại đây, sữa chua mít trở thành món cực “hot” ở Hà Nội.
Giờ hầu như tuyến phố nào cũng có tiệm treo biển Sữa chua mít, các quán chè kem cũng đua nhau bổ sung sữa chua mít vào thực đơn. Nhưng nhắc đến sữa chua mít, người ta nghĩ ngay đến đoạn đầu phố Bà Triệu - nơi "khai sinh" ra món ăn này.
Vỉa hè đầu phố Bà Triệu - nơi chiều nào cũng đắt khách sữa chua mít. |
Ở đây, giờ có 2 tiệm bán sữa chua mít đều rất đông, có tên là Hoàng Anh và Nhật Minh. Rất khó để phân biệt được chính xác đâu mới là quán đầu tiên nhưng nhiều người cho rằng Hoàng Anh mới tiệm tiên phong. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì chất lượng hay phong cách phục vụ của cả hai tương đương nhau, lượng khách cũng san sẻ đồng đều nên đều có thể coi là nơi khởi xướng của trào lưu sữa chua mít.
Trứng cút lộn xào me Đội Cấn
Ngày trước, người Hà Nội chỉ quen ăn trứng cút lộn luộc, nhưng từ khoảng cuối năm 2011, khi có một quán hải sản phong cách miền Nam mở ra, bán món trứng cút xào me thơm ngon, lạ miệng được rất nhiều thực khách đón nhận thì món ăn này phổ biến dần. Đó là quán Ốc Ken ở Đội Cấn. Tiệm này cũng nằm trong danh sách những nơi tiên phong về hải sản Sài Gòn, đã khá quen mặt với dân Hà Thành.
Quán bình dân, dù nằm khuất trong ngõ nhưng rộng rãi, và thích nhất là có khoảng vỉa hè nhìn ra hồ rất thoáng mát. Ở đây, thực đơn đa phần là các món mới lạ, tuy nhiên với nhiều loại ốc phải “đi máy bay” nên giá không thể rẻ. Cút lộn xào me có lẽ là món nằm trong top đồ ngon mà giá thân thiện của quán.
Nói món này ngon rẻ thì không hẳn, 25.000 – 30.000 đồng/đĩa chỉ chừng 10 quả trứng bé. So với cút lộn thông thường thì đắt gấp đôi nhưng ưu điểm là món thơm, đậm đà, dễ ăn lại chấm được với bánh mì cho ấm bụng, món vẫn rất thu hút các bạn trẻ.
Giờ thì không cần các tiệm phong cách miền Nam mà rất nhiều quán vỉa hè trong thực đơn cũng có cút lộn xào me để bắt kịp “xu thế”. Song không phải tiệm nào cũng chế biến món này vừa miệng. Nước xào là thứ quan trọng nhất và có lẽ chỉ những tiệm đúng chất miền Nam như Ốc Ken mới cho ra món ăn chuẩn nhất.
Cà phê đá xay phố Lê Thánh Tông
Thực tế cà phê đá xay đã xuất hiện từ khá lâu (khoảng năm 2009) nhưng hồi đó, chỉ có các “ông lớn” như The Coffee Bean hay Twitter Beans Coffee phục vụ món đồ uống thời thượng này với mức giá khá cao. Cho đến hơn 1 năm trở lại đây, cà phê đá xay mới bùng nổ ở Thủ đô. Nguyên nhân là do sự ra đời của các thương hiệu bình dân, giá cả phải chăng, vừa túi tiền với giới trẻ - những người có khả năng tạo ra trào lưu hay "bão" lớn.
Nơi bán cà phê đá xay bình dân đầu tiên ở hà Nội có lẽ là một quán nhỏ nằm trên phố Lê Thánh Tông. Quán tên Argento Café có diện tích rất khiêm tốn, phải kê thêm ghế trước cửa hàng cho khách và chủ yếu hướng đến mô hình take away. Tuy nhiên, nhiều teen lại rất “khoái” kiểu “cà phê thời thượng, chém gió vỉa hè” ở đây. Hơn nữa, các món đồ uống đều được khách đánh giá thơm ngon, vừa túi tiền.
Thế nên chỉ sau 2 tháng khai trương, Argento nhanh chóng trở thành tụ điểm của nhiều trai xinh, gái đẹp. Kéo theo đó là sự ra đời của một loạt các quán cà phê đá xay bình dân có thực đơn và phong cách tương tự. Cũng không hẳn là quán có công khai phá nhưng Argento được nhận định là nơi đón đầu cơn bão ice blended giá rẻ. Đến nay, đây vẫn là một trong những quán cà phê đá xay được ưa thích nhất của giới trẻ Hà Thành.
Chè khúc bạch Điện Biên Phủ và Hàng Tre
Cho dù “sớm nở tối tàn” nhưng nếu không nhắc đến chè khúc bạch trong danh sách này thì thật thiếu sót.
Chỉ trong một thời gian ngắn, sự xuất hiện dày đặc của các quán treo biển chè khúc bạch đã khiến món giải nhiệt này thành “hiện tượng” trong "làng ẩm thực” mùa hè 2013 vừa qua. Cũng khó xác định nhưng có 2 nơi được coi là khởi nguồn cho cơn sốt này tại Hà Nội. Một là quán ở đầu Điện Biên Phủ, hai là tiệm Lyncapucino trên phố Hàng Tre.
Quán chè Điện Biên Phủ thì được một số “ma xó” ẩm thực xác nhận về chuyện tiên phong. Vào thời điểm chè khúc bạch mới gây sốt, bà chủ tiệm cũng khẳng định: “Nhà mình đã bán món giải nhiệt này cả năm nay rồi”. Tuy nhiên, quán rất nhỏ, tuềnh toàng, lại nằm ở đoạn khuất dễ bị người đi đường bỏ qua, lại chỉ mở hàng từ tầm 6h chiều trở đi và chủ yếu phục vụ mua mang về nên nơi đây không được nhiều người biết đến. Phải tới khi chè khúc bạch thực sự thành cơn sốt, tiếng tăm của quán mới lan rộng.
Còn tiệm Lyncapuccino có lẽ được bạn trẻ Hà Thành biết đến nhiều hơn, sớm hơn. Lợi thế của tiệm là nằm ở khu phố cổ, cửa hàng to, đẹp, có thẩm mỹ, bởi vậy vào thời điểm gây sốt, khi bán với mức giá bằng các quán vỉa hè – 20.000 đồng, quán đã thu hút được lượng khách rất khủng mỗi ngày. Thậm chí có bài báo đã đưa tin, quán này bán được cả nghìn bát chè mỗi ngày.
Quán chè khúc bạch Điện Biên Phủ. |
Tiệm Lyncapuccino phố Hàng Tre. |
Về chất lượng và độ thơm ngon cả 2 đều được đánh giá là “chuẩn mực” thế nên dù tiệm nào có công khởi xướng cũng đều xứng đáng.