Ảnh chụp Keow Wee Loong trên đỉnh tòa nhà 118 tầng hồi tháng 4/2022. Ảnh: Fadza Ishak/CNA, Keow Wee Loong. |
Hồi tháng 4/2022, nhiếp ảnh gia mạo hiểm Keow Wee Loong (33 tuổi, người Malaysia) gây xôn xao khi đăng tải bức hình được cho là chụp trên đỉnh tòa nhà chọc trời Merdeka 118, công trình kiến trúc cao thứ 2 thế giới.
Trong ảnh, anh đứng giữa khu vực còn xây dựng dang dở và chỉ tay lên trời. Hành động của Keow tiếp tục bị cộng đồng mạng chỉ trích sau hình ảnh 2 nhà leo núi mạo hiểm người Nga và nhóm YouTuber Driftershoots xuất hiện trên đỉnh tòa nhà hôm 28 và 30/12/2022.
“Tôi đã phải trốn trong tòa nhà 48 giờ. Nguồn sống của tôi là nước uống còn thừa của nhóm công nhân xây dựng. Lúc đó, tình hình canh gác nghiêm ngặt hơn bây giờ nhiều” Keow nói với Channel News Asia, đồng thời khẳng định không lo sợ bất kỳ lời chỉ trích nào.
Lợi dụng lỗ hổng an ninh
Keow Wee Loong, cặp leo núi người Nga hay nhóm YouTuber trên được gọi là rooftopper.
Họ thường trốn bảo vệ, cảnh sát trèo lên những nơi có độ cao chóng mặt như nóc cao ốc, đỉnh tháp, ống khói... để quay phim, chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội. Đặc biệt, nhóm này không sử dụng đồ bảo hộ để tăng thêm phần mạo hiểm cũng như kích thích người xem.
Thiết bị ghi hình thường là camera gắn trên đầu, máy quay GoPro hay điện thoại cùng gậy selfie.
PNB Merdeka Ventures, công ty sở hữu tòa nhà Merdeka, cho biết sẽ khởi động hành động pháp lý với bất cứ người nào xâm phạm tòa nhà này.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tòa nhà Merdeka cao 118 tầng vẫn đang là một địa điểm xây dựng, an toàn là ưu tiên hàng đầu. Những hành động bột phát của bạn có khả năng tự làm hại, cũng như gây ảnh hưởng đến đội ngũ công nhân của chúng tôi", đại diện PNB Merdeka Ventures cho biết.
Công trường xây dựng tại Merdeka 118 bị đánh giá là chưa đủ an ninh. Ảnh: Fadza Ishak/CNA. |
Khi Channel News Asia ghé qua hồi giữa tháng 1, một phần công trình xây dựng Merdeka 118 đã được rào lại bằng các tấm kẽm cao. Tuy nhiên, phần còn lại chỉ được lót bằng lan can kim loại thấp và phủ bạt xanh. Hầu như không có chốt canh nào ngay tại công trường.
Do vậy, chỉ cần vượt qua đoạn lan can không kiên cố này, người ta có thể vào công trường thông qua lối vào mở dẫn vào tòa tháp chính cách đó khoảng 50 m.
Ông Ravindran Doraisamy, 58 tuổi, quản lý tại một công ty an ninh ở Malaysia, cho rằng công ty sở hữu cần lắp thêm hệ thống camera truyền hình hoạt động ngày đêm nhằm đảm bảo an toàn ở mức tối đa.
“Trong một số trường hợp như sửa chữa hệ thống ống nước, hàng rào sẽ bị dỡ bỏ tại vài khu vực nhất định. Lúc này, kiểm soát an ninh sẽ có nhiều kẽ hở vì thiếu lực lượng bảo vệ.
Tuy nhiên, thật sự không dễ để người ngoài lẻn vào trong Merdeka. Có lẽ nhóm giám sát khi đó thiếu kinh nghiệm, hoặc bị tác động bởi yếu tố bất ngờ nào khác”, Doraisamy nói.
Sống với chỉ trích
Trong khi đó, Keow tin rằng không có biện pháp an ninh tăng cường nào có thể ngăn cản những rooftopper chinh phục Merdeka 118.
Theo anh, sẽ có vài nhóm thực hiện kế hoạch leo trèo trong tháng 1 và tháng 3 năm nay. Nhiếp ảnh gia không tiết lộ thêm chi tiết nào để giữ an toàn cho họ.
Với kinh nghiệm leo tháp Thượng Hải (Trung Quốc) hay Marina 101, tòa nhà cao thứ 2 ở Dubai (UAE), Keow khẳng định các đơn vị quản lý không thể trực tiếp ngăn chặn họ.
Hình ảnh cặp leo núi người Nga trên nóc tòa nhà Merdeka. Ảnh: Straits Times. |
“Thay vào đó, họ phải trao đổi trực tiếp với rooftopper để nắm rõ phương pháp mạo hiểm. Bằng không, việc này sẽ tiếp diễn mãi”, anh nói.
Đồng thời, nam nhiếp ảnh gia tự tin cho biết mình chưa từng phá khóa hay làm hại bất kỳ nhân viên bảo vệ nào để thoát thân.
Ngoài ra, việc anh làm chỉ là leo trèo, ghi lại cảnh đẹp từ nóc nhà thay vì thử những trò mạo hiểm kỳ quặc, gây chết người. Đặc biệt, số tiền thu được bởi ảnh chụp trên không trung cũng khiến nhiều người mơ ước.
“Tôi đã bán một tấm ảnh chụp từ nóc tòa nhà Marina 101 với giá 50.000 USD. Nó còn xuất hiện trên biển quảng cáo lớn ở ga tàu điện ngầm. Do đó, tôi nghĩ mình có thể sống mãi với đam mê chinh phục đỉnh cao này, bất kể cộng đồng mạng có chỉ trích ra sao”, Keow chia sẻ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.