Từ bao đời nay, hình ảnh cổ tự cheo leo trên đỉnh núi đã trở thành một phần thiêng liêng không thể thiếu của văn hoá tâm linh, đặc biệt là Phật giáo phương Đông.
Trong lịch sử phát triển tôn giáo, những đỉnh núi cao luôn mang sắc màu thần bí, gắn liền truyền thuyết huyền hoặc, chốn linh thiêng dành cho các bậc tu hành. Là tôn giáo lớn quy tụ 230-500 triệu tín đồ trên thế giới, Phật giáo có vô số ngôi chùa trải khắp hành tinh. Thế nhưng nơi được xem là linh thiêng, sở hữu huyền sử lâu đời phần nhiều toạ lạc trên các đỉnh núi.
Sự kỳ vĩ của núi non hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp đã làm nên nét huyền hoặc của những công trình cổ tự giữa tầng không. Tu viện Taktsang Palphug cheo leo bên vách đá cao 3.120 m so với mực nước biển ở thung lũng Paro, Bhutan; Kyaikhtiyo (chùa Đá Vàng) cao 7,3 m trên rìa tảng đá dát vàng hình quả trứng, cách mực nước biển 1.100 m tại Myanmar… là những công trình Phật giáo nổi tiếng không thể không nhắc đến.
Cũng ở châu Á, Phật tử có thể tìm đến Huyền Không Tự mang kiến trúc chùa treo nổi tiếng như được tạc vào vách đá dựng đứng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Và sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua Tây Tạng - vương quốc của những đền chùa, tu viện với danh xưng “cực thứ 3 của thế giới” ở độ cao 4.000 m so với mực nước biển.
Sự linh thiêng của các sơn tự có lẽ bắt nguồn từ truyền thống tôn thờ núi rừng. Không chỉ sở hữu độ cao hùng vỹ vươn tới trời xanh, nơi mây vờn gió hú, sấm sét vần vũ cùng sự tịch mịch thần bí, những ngọn núi cao còn mang đến nguồn nước, thức ăn và bài thuốc quý. Vì thế, con người từ nghìn xưa đến nay nhìn nhận các đỉnh núi là nơi khởi nguồn của sự sống, cầu nối đến các vị thần.
Phương Tây có đỉnh Olympus - nơi ngự trị của 12 vị thần Olympia đánh bại thần Titan độc ác. Núi Sinai của Ai Cập chứng kiến Moses nhận 10 lời răn như Kinh thánh đã viết. Đỉnh Machu Picchu vẫn còn tàn tích của nền văn minh Inca rực rỡ từ thế kỷ 15, nơi toạ lạc ngôi đền Mặt trời. Đỉnh Phạm Tịnh tại Trung Quốc trở thành đạo tràng của Phật Di Lặc. Núi Kailash cách thủ phủ Tây Tạng hơn 1.000 km được 4 tôn giáo tôn là nơi của thánh thần.
Trên đỉnh núi thiêng, theo chiều dài lịch sử, các ngôi đền, chùa được dựng lên như cánh cổng kết nối con người với thế giới tâm linh, dân chúng gửi lời nguyện cầu. Bên cạnh đó, sự yên tĩnh biệt lập cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ và bầu không khí thanh khiết là lý do nhiều đạo sĩ, thiền sư lựa chọn sơn tự thiền định với mong muốn đắc đạo tu tiên hay về với cõi niết bàn.
Chiêm ngưỡng dáng chùa trên núi, không ít người phải kinh ngạc trước sự kỳ công của những công trình kiến trúc này. Trên những vách núi dựng đứng mà việc leo bộ lên còn khó khăn, người xưa đã kiến tạo nhiều công trình tâm linh trường tồn cùng thời gian. Đến nay, thời gian và cách thức các Phật tử Trung Quốc thời Minh vận chuyển vật liệu xây hai ngôi chùa trên đỉnh núi đôi Phạm Tịnh dốc đứng cao khoảng 2.330 m so với mực nước biển, vẫn là ẩn số. Riêng việc xây 8.888 bậc đá, tương đương 4 tiếng đi bộ qua cung đường nguy hiểm đã là điều không tưởng.
Hay như chùa Huyền Không xây dựng từ năm 471 trên vách núi thẳng đứng gần núi Heng ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Nhiều người tin rằng quá trình xây dựng có thể kéo dài từ năm 471 đến 523, bằng cách đục hố cỡ vừa vào vách núi, chống các cột gỗ đến nửa phần thân làm bệ đỡ. Công trình này có 40 phòng, gói gọn trong 125,5 m2 và thông nhau bằng các hành lang, cầu, lối đi lót ván. Nhìn từ xa, các điện gác tầng tầng lớp lớp, lối đi quanh co dường như tạc vào vách núi.
Tổng hoà vẻ đẹp kiến trúc - thiên nhiên, giá trị tôn giáo, văn hoá - lịch sử, nhiều linh sơn cổ tự trên thế giới như quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang, quần thể chùa và thiên nhiên núi Phạm Tịnh, tu viện Taktsang Palphug… đã ghi danh vào Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.
Tại Việt Nam, văn hoá Phật giáo đã xuất hiện từ 20 thế kỷ trước với nhiều quần thể văn hoá tâm linh tọa lạc trên những ngọn núi cao hùng vỹ như Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, quần thể danh thắng Tây Thiên tại Tam Đảo hay chùa Bà Đen trên đỉnh Bà Đen (Tây Ninh)... Tất cả mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt suốt hàng trăm năm nay.
Nhiều năm trở lại đây, Phật tử, du khách thập phương thường tìm về đỉnh thiêng Fansipan - nơi có quần thể tâm linh với cụm công trình mang dáng chùa Việt thế kỷ 15-16, tạo dựng kỳ công giữa mây ngàn, núi biếc. Gồm 12 công trình kiến trúc tâm linh, trải dài từ độ cao 1.600 m đến vực đỉnh Fansipan ở 3.143 m, quần thể tâm linh Fansipan khắc hoạ hành trình chiêm bái độc đáo trên dải đất hình chữ S.
Bảo An Thiền Tự toạ lạc ngay ga đi cáp treo là điểm khởi đầu của hành trình tâm linh Fansipan. Từ đây, Phật tử và du khách sau khoảng 15 phút lơ lửng giữa đại ngàn bằng cáp treo, ngắm Hoàng Liên xanh thẳm, xuyên qua tầng mây, bỏ lại thửa ruộng bậc thang trơ gốc rạ hay Sa Pa tấp nập sẽ đến chốn thiền môn thanh tịnh trên đỉnh trời.
Cảm giác đầu tiên khi rời cáp treo, bước qua “cổng trời” Thanh Vân Đắc lộ, đặt chân đến những công tình tâm linh đầu tiên như Bích Vân Thiên Tự, đài gác Đại Hồng Chung… là sự thân quen, gần gũi. Từ vật liệu, phong cách trang trí của tấm ngói, viên gạch, mái chùa… đều phảng phất bóng dáng tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội)…
Thế nhưng khi men theo những bậc đá xanh quanh co, chạm tay vào lan can vững chãi trên vách núi, được tận mắt chiêm ngưỡng loạt công trình kỳ vỹ như Đại tượng Phật A Di Đà cao sừng sững 21,5 m ghép từ hàng nghìn vạn miếng đồng dày 5 mm trên một khung thép; thác nước 9 tầng với 150 bậc đá dốc đứng; tượng Phật bà Quan Âm bằng đồng cao 9 m hay toà tháp 11 tầng tại Kim Sơn Bảo Thắng Tự, du khách mới thấy quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan là một tác phẩm nghệ thuật tạo nên bởi sự kỳ công.
Hàng chục nghìn tấn đá nguyên khối và vật liệu xây dựng, hàng nghìn mét khối gỗ chuyển lên đỉnh núi cao nhất Đông Dương bằng sức người và hệ thống cáp treo công vụ thô sơ, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Giữa cái lạnh của băng tuyết mùa đông hay trận mưa rừng rét buốt, cơn gió quật rít từng hồi hay nắng như thiêu đốt, hàng trăm con người cần mẫn kéo cáp, chạy dây, cùng nhau khiêng từng tảng đá vượt núi, băng rừng. Mỗi bậc đá dẫn lên từng công trình trên đỉnh Fansipan là mồ hôi, trí tuệ của biết bao người.
Giáo sư - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người thiết kế quần thể tâm linh Fansipan gọi đó là “kỳ tích” vô tiền khoáng hậu của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông cho rằng chưa công trình tâm linh hùng vỹ nào được xây dựng ở đỉnh cao như Fansipan trong điều kiện núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, quá trình chế tác kỳ công đến từng chi tiết như thế. Giải pháp thiết kế của công trình cũng dựa trên sự tôn trọng, bảo tồn thiên nhiên.
Không có khoảng sân rộng hay chi tiết rườm rà, không gian tâm linh tiết chế về diện tích, tối giản màu sắc, mang đến vẻ đẹp dung dị, thanh tịnh, nép mình vào thiên nhiên, thoắt ẩn thoắt hiện trong sương và mây gió rộng dài. Những lối đi quanh co thiết kế né gốc cây cổ thụ, men theo thế đất, nương theo triền núi tạo nên quần thể kiến trúc như “mọc” ra từ gió núi, mây ngàn cả trăm năm trước.
Núi rừng Hoàng Liên vốn là hiện thân của sự hùng vỹ, hiểm trở. Ngày nay, với sự quyện hoà giữa kiến trúc tâm linh và thiên nhiên, đại ngàn này lại khoác lên vẻ đẹp tựa chốn tiên cảnh bồng lai. Không chỉ là đỉnh núi cao nhất, Fansipan còn mang vẻ linh thiêng, kỳ vỹ. Ở đó, du khách được chiêm bái đức Phật ngự giữa mây bồng, nhìn ngắm những cây đỗ quyên trăm tuổi nở hoa ngay cửa Phật hay chiêm ngưỡng hiện tượng phát quang kỳ ảo được cho là sẽ đem lại nhiều may mắn.
Có lẽ vì thế, Fansipan trở thành chốn tâm linh tìm về của hàng triệu du khách và Phật tử mỗi năm, nhất là dịp đầu xuân năm mới. Bỏ lại bộn bề cuộc sống, giữa không gian thanh tịnh và thuần khiết nơi giao hòa trời đất, đặt từng bước chân chậm rãi trên bậc đá xanh, trong tiếng chuông lảnh lót ngân vang và chắp tay nguyện cầu năm mới bình an cho gia đình, mỗi người sẽ tìm thấy sự an yên, thư thái trong tâm hồn.
Hơn cả hành trình tâm linh tìm về dáng chùa Việt, mỗi bậc đá trên đỉnh Fansipan là điểm dừng chân để du khách tĩnh tâm chiêm nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, non sông gấm vóc Việt Nam, cảm thán trước kỳ công của con người và sự thiêng liêng nơi “nóc nhà Đông Dương”.
Bình luận