Tìm việc cho sinh viên mới ra trường
Tháng 7 là thời điểm mà các tân sinh viên đi tìm việc với số lượng đông đảo nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn được một công việc phù hợp với khả năng và trình độ của mình.
![]() |
Ảnh minh họa |
Để có thể nhận được một công việc tốt, không những bạn cần phải có một trình độ nhất định phù hợp với yêu cầu mà còn phải thể hiện được cá tính cũng như điểm mạnh của mình trong các buổi phỏng vấn. Vậy bạn cần có những kinh nghiệm gì để có được một công việc như ý. Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn:
1. Xác định thông tin về công ty tuyển dụng
“Năm 2004, tôi được nhận vào làm tại một công ty thương mại tư nhân khá lớn sau một hội chợ việc làm uy tín. Trong buổi phỏng vấn trực tiếp, tôi đã thể hiện được cá tính cũng như trình độ của mình với lãnh đạo công ty và được đánh giá cao. Không ngoài dự đoán, sau 1 tuần tôi chính thức được nhận vào làm tại công ty với mức lương được xếp vào loại khá so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường lúc đó.
Tuy nhiên sau 2 tháng làm việc, tôi phải ngậm ngùi ra đi vì công ty chính thức tuyên bố phá sản”. Đây là lời tâm sự của một sinh viên nay là một nhà quản lý khá uy tín nói về kinh nghiệm tìm việc của anh khi mới ra trường. Nhà quản lý này nói tiếp: “Điều đầu tiên là các bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về công ty mà bạn muốn thi tuyển. Thông tin đó có thể lấy trên mạng hoặc từ bất cứ nguồn nào nhưng phải xác thực để tránh trường hợp đáng tiếc như trường hợp nêu trên”.
2. Nên thử sức thi tuyển vào nhiều công ty
Điều này sẽ rất có lợi cho bạn vì mỗi công ty có một hình thức tuyển dụng riêng. Việc tiếp xúc với nhiều bài kiểm tra cũng như nhiều hình thức thi tuyển sẽ làm cho kinh nghiệm cũng như kỹ năng của bạn được nâng cao. Bạn sẽ biết mình còn thiếu những kiến thức hay kỹ năng gì để nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện.
Có thể bạn sẽ liên tiếp gặp thất bại nhưng mỗi lần thất bại mà vẫn học hỏi được một số kinh nghiệm thì cũng rất đáng quý. Không nên chỉ dự thi vào một công ty và chỉ ngồi chờ đợi kết quả như “há miệng chờ sung”. Nếu thất bại thì bạn lại phải thi tuyển sang một công ty khác trong khi kinh nghiệm thi tuyển không nhiều, như vậy cơ hội thành công cho bạn ở lần sau cũng bị hạn chế hơn.
3. Nên hỏi những đãi ngộ nếu bạn là con gái
Rất nhiều chị em phụ nữ đã có khá nhiều năm kinh nghiệm làm việc nhưng khi lập gia đình và sinh con xong thì dường như công việc không còn được như họ mong muốn nữa. Nguyên nhân là có rất nhiều công ty trong thời gian nghỉ sinh của chị em thường kiếm người thay thế để theo đúng tiến độ công việc. Đến khi chị em quay lại công việc thì nhiều sếp đã không còn trọng dụng hoặc phân công sang một công việc khác với những ưu đãi thấp hơn. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho những phụ nữ mới sinh em bé. Chính vì thế, nếu được nhận vào làm, nếu là nữ thì bạn phải hỏi rõ chế độ đãi ngộ cũng như chế độ thai sản cho các bà mẹ. Hỏi rõ về công việc cũng như thu nhập sau khi trở lại công ty, tránh để rơi vào thế bị động khi mọi việc đã rồi.
4. Không bao giờ nên tin những lời hứa
Có rất nhiều vị sếp khi phỏng vấn đều hứa hẹn bạn sẽ nhận được những ưu đãi cũng như những phần thưởng gì khi trở thành nhân viên của công ty. Thực ra, việc nói và thực hiện lại cách nhau khá xa, nhiều vị sếp cũng không từng nhớ mình đã hứa những việc như thế. Vấn đề này cũng không quá khó hiểu vì khi cần thiết hoặc những lúc cao hứng các sếp có thể nói hoặc hứa bất cứ việc gì mà đem lại lợi ích cho công ty cũng như cá nhân mình. Chính vì thế, bạn cũng không nên tin những lời hứa hoặc những cam kết, mọi thứ đều được nên chứng thực bằng văn bản giấy trắng mực đen.
5. Nên tìm hiểu về những thông tin liên quan đến hợp đồng lao động
Theo quy định của pháp luật thì thường các công ty sẽ chỉ tiến hành thời gian thử việc từ 2 đến 3 tháng. Sau thời gian này, nếu chính thức được nhận thì bạn sẽ được ký hợp đồng lao động và được công ty đóng bảo hiểm. Tuy nhiên có những công ty vì một nguyên nhân nào đó sẽ tìm lý do để trì hoãn hoặc không muốn ký hợp đồng lao động với bạn, đến lúc này bạn sẽ gặp nhiều thiệt thòi so với những nhân viên chính thức. Vì thế, khi thương lượng điều kiện nhận việc, bạn nên tìm hiểu qua hợp đồng lao động và đưa những điều kiện có lợi cho mình, tránh trường hợp làm việc hơn 1 năm hoặc lâu hơn mà vẫn không được đóng bảo hiểm cũng như không được nhận những ưu đãi khác của công ty.
6. Cách ăn mặc và nói năng khi phỏng vấn
Cách ăn mặc và nói năng cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phỏng vấn của bạn. Một ứng viên ăn mặc lịch sự, đi đứng nói năng hợp lý, khiêm tốn sẽ nhận được nhiều thiện cảm hơn những ứng viên ăn mặc lòe loẹt, quái dị hay ăn nói vô phép, khoe khoang. Qua phong cách của bạn, người phỏng vấn sẽ hiểu được phần nào tính cách cũng như năng lực của bạn sẽ thể hiện trong công việc. Vì thế bạn cũng cần phải chú trọng và quan tâm nhiều hơn đến cách ăn mặc và kỹ năng nói khi tham dự một cuộc phỏng vấn.
7. Nếu muốn thay đổi công việc...
Nhiều ứng viên sau một thời gian làm việc đã phát hiện ra mình không phù hợp với công việc hiện tại. Lúc này nếu như muốn thay đổi thì đầu tiên bạn phải xác định công việc bạn muốn làm là gì? Đừng theo trào lưu hoặc chỉ muốn thay đổi chỗ làm mà lại tìm một công việc không thích hợp. Như thế, bạn vừa không có hứng thú vừa không phát huy hết năng lực của bản thân đối với công việc. Nên bỏ thời gian để tìm một ngành nghề hoặc một công việc thích hợp trước khi nghỉ việc.
Theo VietNamNetJobs