Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tin nhắn cho người lạ có thể giúp ích sự nghiệp của bạn

Thị trường lao động cạnh tranh ngày càng gay gắt, CNBC đã có cuộc trò chuyện với 3 nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên Linkedln để đưa ra lời khuyên cho sinh viên mới ra trường.

Nhiều lao động trẻ vẫn khó chen chân vào thị trường. Ảnh: New York Times.

Các chuyên gia cho rằng người lao động có ưu thế khi tỷ lệ việc làm vẫn cao, nhưng nhiều lao động trẻ vẫn khó chen chân vào thị trường. Theo nền tảng tìm kiếm việc làm Employed Historian, Millennials và Gen Z là hai thế hệ có trình độ học vấn cao nhất, nhưng họ cũng gặp nhiều khó khăn nhất khi tìm việc làm do cạnh tranh công việc hoặc các kỹ năng cần thiết khi tuyển dụng.

Nhằm tìm ra lời khuyên và truyền cảm hứng cho sinh viên mới ra trường, CNBC đã có cuộc trò chuyện với ba nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên Linkedln.

Can đảm gửi “cold message”

Năm 2016, khi mới 15 tuổi, Audrey Pe đã thành lập WiTech (một tổ chức phi lợi nhuận về khả năng tiếp cận công nghệ), ở Philippines. Hiện tại, WiTech đã có hơn 400 thành viên và 26 chi hội tại 10 quốc gia.

Pe - một sinh viên đang học tại Đại học Stanford (Mỹ) - đã củng cố mạng lưới nghề nghiệp của mình bằng cách gửi “cold message” (một hình thức gửi tin nhắn/thông điệp để tiếp cận những người chưa từng quen biết), đến những người trong lĩnh vực nghề nghiệp của cô.

"Tôi muốn đưa hình ảnh người phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ trên blog của chúng tôi tới người lạ. Vì vậy, tôi đã dùng LinkedIn và gửi 'cold message' tới mọi người. Tương tự, tôi áp dụng cách này với những người lạ mà tôi nhận thấy có nhiều cơ hội hợp tác, tiềm năng ở vai trò đối tác sự kiện của Witech hoặc diễn giả“, Pe nói.

Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách, “cold message” có thể mang tính ích kỷ hoặc không xác thực, vì vậy, bạn cần cố gắng xây dựng mối quan hệ chân thành với người nhận được tin nhắn.

Theo Indeed, các “cold message” có khả năng thành công khi ngắn gọn, chứa những lời khen chân thành, đề cập đến cách bạn kết nối với họ hoặc giải thích những bước tiếp theo trong kế hoạch của bạn…

Hãy tự trấn an rằng bạn sẽ làm được

Dylan Gambardella (26 tuổi, người đồng sáng lập và CEO của Next Gen HQ - trung tâm kinh doanh chuyên hỗ trợ các doanh nhân trẻ đạt được mục tiêu của họ), đưa ra lời khuyên hãy thực hành tự trấn an bản thân. Anh ấy khuyến khích các sinh viên mới ra trường hãy kiên trì, bất chấp những khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

“Đó sẽ là khoảng thời gian căng thẳng khi bạn phải đối mặt với sự từ chối. Đừng để điều đó ngăn cản, hãy kiên trì theo đuổi hành trình, tin tưởng những nỗ lực bạn bỏ ra sẽ dẫn bạn đến kết quả mong muốn”, Gambardella nói.

Gambardella cũng nói rằng bước đầu tiên để thành công là bắt đầu, không được để nỗi sợ hãi ngăn cản. Anh khuyến khích mọi người đừng xấu hổ khi đưa ra yêu cầu về sự trợ giúp.

“Đừng ngại liên hệ với một người cố vấn hoặc một người bạn trên Linkedln - những người mà bạn tin rằng có thể cung cấp thông tin hữu ích”, Gambardella khuyên.

Trở thành một chuyên gia đa ngành

Sau khi lấy bằng thạc sĩ khoa học về tài chính tại ĐH Lancaster (Anh) vào năm 1997, Eric Sim đã thất vọng khi bị ĐH Princeton từ chối nhận hồ sơ học tiến sĩ.

Sim quyết định tiếp tục làm việc trong lĩnh vực ngân hàng trước khi khám phá một số công việc khác như giám đốc điều hành, giáo sư, nhà đầu tư và huấn luyện viên nghề nghiệp.

Sim nói rằng việc phát triển một loạt các kỹ năng và kết hợp chúng với nhau đã giúp anh có những bước chuyển mình trong sự nghiệp. Anh gợi ý sinh viên mới ra trường nên làm như vậy bởi không dễ để cạnh tranh khi nhiều người có bằng cấp tương tự.

“Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính, tôi mới bắt đầu theo học ngành Lập trình máy tính. Sau vài năm, tôi đã kết hợp kinh nghiệm hai ngành này để làm kỹ sư tài chính tại một ngân hàng quốc tế”, Sim chia sẻ.

Trong 8 năm làm việc tại đó, Sim đã tận dụng cơ hội đào tạo nội bộ để phát triển thêm một số kỹ năng bán hàng. Nhờ đó, anh đã chuyển sang lĩnh vực đầu tư. Sự kết hợp các ngành nghề đã giúp anh trở nên độc đáo, chuyển từ vị trí này sang vị trí khác một cách dễ dàng.

Cách nói Không với sếp

Hãy tưởng tượng rằng bạn có thể nói "Không" với sếp bằng sự tôn trọng và chuyên nghiệp. Việc đó thật sự có thể xảy ra.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm