1. Tỉnh nào có nghề gác kèo ong và nghề muối ba khía là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?
Nghề gác kèo ong và nghề muối ba khía ở Cà Mau được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2019. Đây đều là những nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đời sống cư dân Cà Mau, truyền qua nhiều thế hệ, cho ra những đặc sản nổi tiếng. Ảnh: Huỳnh Lâm. |
2. Di sản nghề gác kèo ong gắn với huyện nào của Cà Mau?
Di sản nghề gác kèo ong gắn với huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời của Cà Mau, nơi có rừng U Minh Hạ. Hồ sơ của Cục Di sản văn hóa cho biết kèo ong được mô phỏng theo cách thức dựng nhà, làm nhà bằng gỗ tràm, cau, bình bát... để dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường sống cho chúng. Người dân Cà Mau sáng tạo nghề gác kèo ong nhờ phát hiện tập tính của loài ong mật, vốn chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà. Đây là một nghệ thuật, đòi hỏi kinh nghiệm, bí quyết riêng trong nghề. Ảnh: Hiếu Nghĩa. |
3. Loài bông (hoa) đặc trưng nào ở vùng rừng U Minh Hạ, Cà Mau đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút ong?
Tràm là một nét đặc trưng trong hệ sinh thái rừng U Minh Hạ. Mùa bông tràm nở rộ thành từng chùm nhỏ nhắn, tỏa hương thơm dịu đóng vai trò quan trọng để dẫn dụ ong. Người ta ví toàn bộ rừng U Minh Hạ như một kho nguyên liệu khổng lồ để ong làm mật. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng. |
4. Sản phẩm của nghề gác kèo ong ở Cà Mau thường được biết đến với nhãn hiệu tập thể nào?
Nghề gác kèo ong ở Cà Mau cho sản phẩm "mật ong U Minh Hạ” nổi tiếng. Loại mật này trong, vàng như nước cam, để lâu không đổi màu, không biến chất, không bị đọng đường... Tổ ong ngoài cho mật còn cho sáp làm đèn cầy, cho ong non dùng chế biến các món ăn… Ảnh: Vũ Ngọc Hùng. |
5. Di sản nghề muối ba khía gắn với huyện nào của Cà Mau?
Ở Cà Mau, nhờ trữ lượng ba khía dồi dào, người dân đã sáng tạo nghề muối ba khía để làm phong phú các bữa ăn, dự trữ cho các chuyến đi rừng, đánh bắt biển, tạo nguồn sinh kế... Ba khía muối Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển được xem là nổi tiếng nhất, nên di sản nghề muối ba khía cũng được gắn với huyện này. Ảnh: Bạch Dương. |
6. Ba khía sống ở môi trường nào?
Cổng TTĐT Cà Mau cho biết ba khía là loài giáp xác sống ở rừng ngập mặn, trông khá giống cua đồng. Do rừng ngập mặn Cà Mau có diện tích lên đến hàng chục nghìn ha, trải dài từ đông sang tây của bán đảo, nên sản lượng ba khía ở đây có thể xem là nhiều nhất Nam Bộ. Ảnh: Sát Đa. |
7. Trong nghề muối ba khía ở Cà Mau, đâu được xem là một bí quyết quan trọng?
Nghề muối ba khía ở Cà Mau vừa là nghề truyền thống, vừa cho thấy vốn tri thức dân gian trong ẩm thực địa phương. Để muối ba khía, kinh nghiệm pha chế độ mặn của nước muối được xem là một bí quyết quan trọng, cho thấy sự tài hoa của các nghệ nhân. Việc muối ba khía phải vừa ăn, không mặn, không lạt, nếu không thịt sẽ bị xẵng hoặc mau bủng... Ảnh: Huỳnh Lâm. |