Luna Đào có nhiều hoạt động trong những năm qua. Cô đăng tải vlog trên các nền tảng mảng xã hội như một beauty blogger chuyên nghiệp. Cô làm mentor cho một show truyền hình tìm kiếm thế hệ KOC tương lai. Nhiều khán giả đã quên mất, Luna vốn xuất thân là một ca sĩ với tên Đào Bá Lộc, thậm chí có nghề khi từng vào sâu tại Giọng hát Việt 2012.
Luna vẫn phát hành một số single đơn lẻ trong những năm qua. Single Bụng mỡ của em phát hành vào tháng 11 năm ngoái đã đánh dấu một phong cách rất mới của Luna, không còn theo đuổi những ca khúc pop ballad có giai điệu buồn và phối khí đơn giản nữa. Cô chuyển sang hát có nhịp điệu hơn, phối khí theo màu pop/ contemporary R&B nhiều hơn.
2 tháng sau, Luna Đào tiếp tục phát hành thêm một EP mới gồm 4 bài, trong đó không hề có single Bụng mỡ của em. Tần suất sản xuất âm nhạc của Luna Đào thời gian gần đây có thể nói là khá năng suất.
Tự sáng tác toàn bộ EP
Toàn bộ 4 bài hát trong EP Thông minh cho đến khi yêu đều do chính Luna Đào sáng tác. Kể từ single Thanh Xuân, cho đến Những chàng trai em từng yêu hay Bụng mỡ của em, Luna Đào đã thể hiện khá ổn khả năng này của mình. Tuy nhiên, việc sáng tác 4 bài theo cùng một concept âm nhạc vẫn là một bước tiến mới rất đáng khen của nữ ca sĩ.
Việc tự sáng tác các ca khúc giúp Luna Đào có lợi thế rất lớn trong việc bộc bạch các quan điểm của mình. Nếu theo dõi Luna qua các single trước, người nghe có thể thấy cô rất mạnh mẽ và cá tính “Em loay hoay tự mình mưu sinh từ khi chưa tròn đôi mươi/Bay lang thang giữa trời phiêu lưu như một bông bồ công anh” (Bụng mỡ của em), “Nếu anh chưa thì anh ráng tìm/Ngày em cưới em không mời đâu, anh ơi đừng lo!” (Những chàng trai em từng yêu).
Thế nên, trong EP mới, khi thể hiện rằng mình đang yêu, Luna Đào vẫn viết những ca từ rất mạnh mẽ: “I hate myself, why so easy fall in love” (Thông minh cho đến khi yêu). Thậm chí, cô còn khẳng định hình ảnh của anh chàng kia đẹp là do tình yêu của cô chứ không phải do bản thân anh ta: “Chẳng phải anh có gì tuyệt vời, tình cảm của em đây này/Mới khiến cho anh so tuyệt vời trong mắt em”.
Ở hai ca khúc còn lại trong EP, Luna Đào lại quyết định đưa thông điệp về nữ quyền vào trong phần ca từ. Trong Tiêu Chuẩn kép, Luna gọi tên những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào nữ quyền và LGBT như Beyonce, Taylor Swift, Marsha P Johnson,... cùng những lời hô khẩu hiệu mạnh mẽ “We fight like a girl”. Đến Là ai mà đánh giá, Luna lại đề cấp đến vấn nạn bạo lực ngôn từ nhức nhối “Liệu vòng eo con kiến có giúp em thoát khỏi những định kiến”, “Người hay dèm pha, chắc ở nhà họ không có tấm gương soi”, và vẫn kết lại với một lời cổ vũ “Em là bao điều tuyệt vời mà em mang đến thế gian này”.
Đảm nhiệm phần phối khí, sản xuất cho EP Thông minh cho đến khi yêu là Charles và Machiot. Charles mang đến cho Luna Đào một làn gió mới. Các bài hát trong EP đều được Charles kết hợp hài hòa giữa các âm thanh thực và âm thanh máy tính. Như ở Tiêu chuẩn kép, anh tạo ra một đoạn drop khá mạnh mẽ, nhưng ở các verse anh vẫn đan cài thêm các âm thanh guitar để nâng đỡ cho giọng hát của Luna Đào rất tốt.
Ở Là ai mà đánh giá, một ca khúc có thông điệp khá rõ ràng, Machiot lựa chọn toàn những âm thanh sáng rực để như một lời cổ vũ nhẹ nhàng đến những nạn nhân của bạo lực ngôn từ thay vì hầm hố mang tính tuyên ngôn quá nhiều, cũng rất hợp với sáng tác có chút màu sắc ballad của Luna.
Giọng hát của Luna cũng là một điểm đáng khen trong EP. Cả 3 bài hát đều được Luna trình bày với một sự mượt mà, ngọt ngào rất đặc trưng của nữ ca sĩ. Ngay cả khi hô khẩu hiệu "We fight like a girl", cô cũng không thực hiện nó quá mạnh, đi cùng với phần phối khí cũng ở mức vừa phải dễ nghe của Machiot. Nó khiến cho thông điệp của Luna phần nào bớt giáo điều mà như một người bạn thân đang thủ thỉ cổ vũ.
Những hạn chế cần khắc phục
Luna đặt tên cho EP của mình là Thông minh cho đến khi yêu, nhưng chỉ có đúng 1 ca khúc trong EP (chính là ca khúc cùng tên EP) là nói về tình yêu. Còn 2 ca khúc còn lại đều mang thông điệp khác. Về mặt âm thanh, các bài hát khá thống nhất khi đều theo đuổi pop/R&B có nhịp điệu, nhưng về mặt nội dung, sợi dây liên kết giữa 3 ca khúc này còn khá mong manh.
Về mặt ca từ, khi sáng tác về chủ đề tình yêu sở trường, Luna Đào tỏ ra khá chắc tay. Cô phô bày được cá tính táo bạo của mình trong những sáng tác này khá ổn. Tuy nhiên, khi đụng đến những thông điệp khó hơn, Luna chưa có sự kiểm soát tốt.
Luna Đào vẫn còn có thể làm tốt hơn nữa trong EP của mình. |
Như ở ca khúc Tiêu chuẩn kép, ở phần đầu của bài Luna nêu lên những tiêu chuẩn khắt khe mà nam giới áp đặt lên nữ giới nhưng lại không áp đặt lên chính bản thân họ “Thì ra anh muốn xin số phone, nhưng anh muốn điều khác chẳng phải tâm sự/Mà giờ nếu em đây nói to điều này thì kẻ xấu lại là chính em”. Nhưng ngay ở đoạn tiếng Anh tiếp theo, Luna lại hô hào về những phát minh do phụ nữ thực hiện: “Who invented Wi-Fi baby? It’s a woman woman/ Who invented computer P language? Still a woman”. Dù cùng có thông điệp nữ quyền nhưng hai phân đoạn này không có sự liên quan với nhau. Ở Là ai mà đánh giá, Luna lại lồng khá nhiều câu tiếng Anh một cách không cần thiết “You are more than this”, “Who are they to judge”, vô tình làm ngắt mạch cảm xúc của người nghe trong một ca khúc vốn khá du dương.
Tuy nhiên, vẫn khá đáng khen khi Luna dám đặt thử thách cho mình, sáng tác những ca khúc với chủ đề khó hơn là những ca khúc về tình yêu sở trường. EP Thông minh cho đến khi yêu cho thấy Luna Đào vẫn còn rất nhiệt huyết với âm nhạc, và có một thẩm mỹ đủ hiện đại để bắt kịp với thị trường.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.