Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổ công tác đặc biệt đến Tây Nguyên hỗ trợ chống dịch bạch hầu

Một Tổ công tác đặc biệt gồm lãnh đạo các bệnh viện, chuyên gia đầu ngành được tập hợp, lên đường hỗ trợ Tây Nguyên chống dịch bạch hầu.

Trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, các ca bệnh chưa có xu hướng giảm, ngày 10/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ra quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt đến Tây Nguyên hỗ trợ chống dịch.

Tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu được chia thành 4 nhóm, đến các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Thành viên Tổ công tác này gồm lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Tại vùng dịch, Tổ công tác sẽ tham mưu, phối hợp sở y tế các tỉnh để xây dựng quy trình khám, sàng lọc, phân loại, điều trị, cách ly ca bệnh, ca nghi ngờ dương tính bạch hầu. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các khoa điều trị ca bệnh bạch hầu tại khu vực này.

Mỗi ngày, Tổ công tác sẽ báo cáo về Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, về tình hình, diễn biến điều trị các ca bệnh và hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.

chong dich bach hau o Tay Nguyen anh 1

Các bác sĩ khám sàng lọc cho người dân tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Ảnh: N.T.

Sau 3 ca tử vong, hội đồng chuyên môn bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã họp trực tuyến với 30 chuyên gia đầu ngành để sửa đổi, bổ sung, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu mới. Hôm nay, phác đồ Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu chính thức ban hành.

Theo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa tiêm vaccine đầy đủ.

Về lâm sàng, bệnh thường gặp nhất là bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%)…

Bạch hầu họng có thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, không có triệu chứng lâm sàng. Người bệnh thường sốt cao khoảng 38 độ C kèm đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi… Khi phát bệnh, giả mạc trong họng lan rộng, lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu.

Với bạch hầu ác tính, bệnh cảnh nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, sốt cao đến 40 độ C, giả mạc lan rộng khắp hầu họng và môi. Hạch cổ sưng to, biến dạng. Người bệnh nhanh chóng bị tổn thương tim, suy thận và tổn thương thần kinh.

Để xác định ca dương tính, người nghi ngờ được lấy dịch hầu họng ngoáy ở vùng rìa xung quanh giả mạc. Trên máy xét nghiệm PCR, bác sĩ sẽ xác định gene độc tố bạch hầu.

Khi chẩn đoán bệnh bạch hầu, nhân viên y tế cần phân biệt các dạng viêm amidam hốc mủ có giả mạc mủn như liên cầu nhóm A, bệnh viêm họng Vincent, virus EBV, nấm họng candida hoặc các viêm thanh quản do virus, áp xe thành sau họng…

Nguyên tắc điều trị chung với ca bệnh bạch hầu là phát hiện sớm, cách ly đối tượng dương tính. Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn… thường được dùng trong điều trị bạch hầu.

Với bệnh nhân nặng, các bác sĩ có thể dùng máy tạo nhịp tạm thời (trường hợp rối loạn nhịp tim), kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục và corticoid với bạch hầu ác tính, bạch hầu thanh quản có phù nề.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ngừng tiêm vắc xin cho trẻ? Nếu mọi người đều ngừng tiêm vắc xin, các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, bạch hầu, rubella... sẽ quay trở lại và lây lan khắp nơi.

Dấu hiệu bệnh và những vaccine giúp phòng bạch hầu

Bạch hầu đang gây nhiều lo ngại về việc bùng phát dịch với số ca mắc tăng lên nhanh chóng. Cần làm gì để phòng tránh vá phát hiện sớm nhất dấu hiệu bệnh?

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm