Toàn cảnh tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2013-2014 các trường ngoài công lập sẽ tuyển 20.188 học sinh vào lớp 10. Trong khi đó, Hà Nội dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào khối trường này hơn 13.000 học sinh.
Tiết học kỹ năng sống của học sinh Trường THPT tư thục Thái Bình, TP.HCM. Điều kiện vào học lớp 10 trường này là học lực khá, hạnh kiểm tốt. |
Chị Hoa, phụ huynh ở thị xã Dĩ An, Bình Dương, thổ lộ gia đình chị quyết định cho đứa con gái duy nhất đến TP.HCM học vì giáo viên ở TP.HCM cấp tiến hơn. “Tôi đã nhờ bạn bè hiện đang sinh sống tại TP.HCM tìm hiểu giùm xem trường tư thục nào tốt. Tôi còn dẫn cả cô giáo cũ của con gái đi tham quan trực tiếp ngôi trường tư thục đó. Từ chỗ ăn, chỗ ở đến xem cả trình độ giáo viên, những hoạt động giáo dục của nhà trường, cô giáo cũ của con gái bảo là “tốt”, tôi mới ghi danh cho con học (tại một trường thuộc quận Tân Bình)” - chị tâm sự.
Chọn trường uy tín
Chị Hoa cho biết: “Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, lương không cao nên cuộc sống hết sức căn cơ. Mặc dù vậy nhưng nhìn ra xung quanh thấy rất nhiều người cho con em đến TP.HCM học nên hai vợ chồng tôi bàn tính rất kỹ càng. Cuối cùng vì tương lai của con, cháu cần mở mang kiến thức, học được nhiều điều hay từ môi trường giáo dục tốt ở TP.HCM nên cần phải xa cha mẹ. Phải như thế mới hi vọng cháu có thể vào đại học”.
Giống như chị Hoa, hầu hết phụ huynh mà chúng tôi tiếp xúc đều trả lời: môi trường giáo dục ở TP.HCM tốt hơn nên quyết định đầu tư cho con em đi học. Có lẽ vì vậy hằng năm TP.HCM đón hơn 10.000 học sinh các tỉnh thành khác về học tập, chủ yếu ở các trường ngoài công lập vì trường THPT công lập chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS ở TP. Ngoài ra, có ba trường chuyên: Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu (ĐH quốc gia TP.HCM), Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) có tuyển học sinh các tỉnh thành khác vào lớp chuyên nhưng học sinh phải thi tuyển khá gắt gao.
Ngay cả những trường tư thục chỉ xét tuyển cũng không đơn giản. Bà Lê Thúy Hòa - hiệu trưởng trường THPT tư thục Thái Bình - thông tin: “Năm học tới trường chỉ tuyển 120 học sinh lớp 10 với điều kiện học lực khá, hạnh kiểm tốt. Những trường hợp không đạt được điều kiện trên thì hiệu trưởng sẽ trực tiếp xem hồ sơ, nói chuyện với phụ huynh, học sinh, nếu quan điểm giáo dục của phụ huynh đồng điệu với nhà trường tôi sẽ quyết định nhận em vào học”. Tương tự, “Trường tiểu học, THCS và THPT Trương Vĩnh Ký năm nay tuyển 740 học sinh với điều kiện học lực khá, hạnh kiểm khá trở lên. Những năm trước, số hồ sơ dự tuyển thường cao gấp đôi so với chỉ tiêu, nhà trường sẽ tuyển từ cao xuống thấp” - ông Nguyễn Bá Bình, phó chánh văn phòng Trường Trương Vĩnh Ký, cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Tín - hiệu trưởng trường THCS, THPT Nguyễn Khuyến - cho hay: “Năm nay trường sẽ tuyển 2.250 học sinh lớp 10 với điều kiện: các môn toán, lý, hóa, ngoại ngữ đạt từ 7,0 trở lên (điểm trung bình năm học lớp 9); môn văn đạt từ 6,5 trở lên. Khoảng đầu tháng 6, học sinh sẽ vào học tám tuần trong thời gian hè để làm quen với môi trường giáo dục của nhà trường. Sau thời gian này, trường sẽ có bài kiểm tra, học sinh nào đạt đủ điều kiện do nhà trường đặt ra thì sẽ trở thành học sinh chính thức của trường”.
Hà Nội: Học sinh ngoại tỉnh phải thi riêng
Để cải thiện chất lượng đầu vào trong bối cảnh luôn phải nhận số học sinh đã “lọt sàng” ở trường công, hầu hết các trường tại Hà Nội đều tiếp nhận cả học sinh ngoại tỉnh vào lớp 10. Nhưng cũng chỉ những trường ngoài công lập có uy tín về chất lượng và có biện pháp quản lý học sinh chặt chẽ là địa chỉ nhiều phụ huynh lựa chọn. Còn các trường khác tỉ lệ học sinh ngoại tỉnh không nhiều, chất lượng đầu vào cũng thấp.
Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội là trường ngoài công lập duy nhất trong nhiều năm tuyển sinh vào lớp 10 cùng thời điểm với các trường công lập tuyển nguyện vọng 1. GS Văn Như Cương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm nay chúng tôi cũng sẽ công bố điểm chuẩn cùng thời điểm với các trường công lập, dự kiến điểm chuẩn sẽ ngang bằng những trường tốp đầu của TP”.
Trong nhiều năm liên tục, điểm chuẩn vào trường THPT Lương Thế Vinh ở mức 52-54 điểm, bằng hoặc cao hơn một số trường công lập thuộc tốp đầu như THPT Kim Liên, Thăng Long... Tuy không tổ chức thi mà chỉ tuyển sinh theo kết quả thi vào trường công lập nhưng trường Lương Thế Vinh cũng nằm trong khoảng 10 trường THPT “hớt váng” học sinh khá, giỏi của Hà Nội.
“Chúng tôi tổ chức một kỳ thi riêng cho học sinh có hộ khẩu ở tỉnh khác. Những em này cũng tham gia tuyển sinh ở các tỉnh, nhưng do mỗi tỉnh có cách tuyển sinh riêng, độ khó của đề thi cũng không giống nhau nên để công bằng đối với học sinh ở Hà Nội dự tuyển vào trường, chúng tôi phải tổ chức thi hai môn văn, toán đối với học sinh ngoại tỉnh. Kết quả hai môn thi và điểm xét học bạ sẽ là căn cứ để xét tuyển. Điểm chuẩn vào trường chung cho học sinh Hà Nội và học sinh tỉnh ngoài” - GS Cương nói.
Ngoài trường Lương Thế Vinh, Hà Nội còn có một số trường là địa chỉ tìm đến của những học sinh ngoại tỉnh có lực học khá như trường THPT Nguyễn Tất Thành (trường thực hành của trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Theo ban giám hiệu Trường Nguyễn Tất Thành, năm học 2013-2014 trường vẫn tuyển sinh theo điểm xét tuyển của Sở GD-ĐT Hà Nội đối với học sinh có hộ khẩu Hà Nội, nhưng có một kỳ thi do trường tổ chức riêng đối với học sinh ngoại tỉnh. Học sinh sẽ thi hai môn văn, toán và môn khuyến khích là tiếng Anh. Kết quả thi môn tiếng Anh được quy ra điểm khuyến khích cộng với điểm thi văn, toán để xét tuyển.
Ông Nguyễn Công Thành, một phụ huynh ở Yên Bái có con dự tuyển cả trường Lương Thế Vinh và Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Lực học của con tôi thừa sức vào học trường tốp đầu ở Yên Bái, nhưng tôi muốn con về Hà Nội để yên tâm hơn về chất lượng”.
Theo Tuổi Trẻ